Những ngày này, ngư dân ven biển xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) đang tích cực ra khơi đánh bắt cá trích để bán cho thương lái tại cảng cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên). Mỗi chuyến biển, ngư dân thu về từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Ngư dân xã Cẩm Thanh đưa thuyền chờ đầy cá trích vào cập cảng cá An Lương. Ảnh: N.Q
Sau khoảng 4 giờ đánh bắt ngoài biển, lúc 7h sáng ngày 4/1, thuyền cá mang biển số QNa-03628 TS của ngư dân Lê Lu (xã Cẩm Thanh) và nhiều ngư dân khác lần lượt đưa về cảng cá An Lương trong niềm vui được mùa cá trích.
Ngư dân khẩn trương gỡ cá trích để cân bán cho thương lái. Ảnh: N.Q
Ông Lu cho hay, phương tiện đánh bắt hải sản do ông làm chủ có 4 thuyền viên đều là người địa phương. Thuyền ra khơi đánh bắt cá trích từ khoảng 4 giờ sáng, cách bờ khoảng 8 – 10 hải lý. Chi phí mỗi chuyến ra khơi khoảng 500 nghìn đồng tiền mua lương thực và dầu diesel.
“Bình quân mỗi chuyến ra khơi, ghe thuyền của tôi đánh bắt được khoảng 4 tạ cá trích, hôm nào ít nhất thì khoảng 2 tạ. Cá trích được tập kết tại cảng cá và gỡ bán cho thương lái với giá khoảng 20 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ đi các khoảng chi phí, mỗi ngư dân thu được khoảng 700 nghìn đồng/chuyến, hôm nào trúng đậm thì được 1 triệu đồng/ngư dân" – ông Lu phấn khởi.
Cá trích mắc lưới còn tươi rói. Ảnh: N.Q
Theo nhiều ngư dân xã Cẩm Thanh, mùa đánh bắt cá trích diễn ra từ tháng 11 Âm lịch đến tháng 4 Âm lịch năm sau. Mỗi tháng tàu thuyền của họ ra khơi khoảng 10 ngày, vì còn phụ thuộc vào thời tiết.
Lưới đánh bắt cá trích có có ô lưới nhỏ và dài hàng trăm mét. Ảnh: N.Q
Tấm lưới đánh bắt cá trích có chiều dài khoảng 600m, sau khi thả lưới xuống biển, chủ tàu thuyền và bạn thuyền đợi khoảng 20 - 30 phút để cá mắc lưới, sau đó kéo lên thuyền. Khi về bờ, nhân lực trong gia đình được huy động khẩn trương gỡ cá khỏi lưới để cân bán cho thương lái ngay tại cảng hoặc mang lên chợ bán.
So với nghề khai thác hải sản xa bờ, nghề lưới ven bờ chỉ đánh bắt cá trích theo phương thức truyền thống, sản lượng ít, nhưng nếu gặp may thì mỗi ngư dân có thể thu nhập từ 15 - 40 triệu đồng/năm. Hết mùa cá trích, ngư dân chuyển đổi sang nghề khác để đảm bảo cuộc sống.
Mỗi chuyến biển đánh bắt cá trích, ngư dân thu về ít nhất 700 nghìn đồng. Ảnh: N.Q
Hiện, hầu hết các làng chài ở xã Cẩm Thanh đều có các ghe nhỏ, thuyền thúng làm nghề lưới cá trích. Tuy nhiên, số lượng ngư dân hành nghề đi biển ngày càng giảm dần, phần lớn là những người làm nghề này ở độ tuổi trung niên, bởi vì nghề đi biển hiểm nguy luôn rình rập, vất vả mà thu nhập bấp bênh.
Thương lái thu mua cá trích tại cảng cá An Lương (xã Duy Hải). Ảnh: N.Q
Cạnh đó, những năm gần đây ngành dịch vụ du lịch phát triển, những người trẻ tuổi ở xã Cẩm Thanh đã chuyển đổi lên bờ tìm công việc ổn định hơn.
Gỏi cá trích được nhiều người dân ưa thích. Ảnh: N.Q
Cùng với cá mai và cá de, cá trích tươi không tẩm ướp được thương lái mua với giá dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg. Cá trích sau khi được thu mua sẽ đưa lên xe đông lạnh mang đi tiêu thụ ở các TP.Đà Nẵng, Huế...
Ngoài ra, cá trích thường được người dân Cẩm Thanh đánh vảy, lọc bỏ xương, bóp chanh, ớt, rau hành và gia vị làm món gỏi, hoặc rửa sạch nướng, phơi khô...
Nguồn: Báo Quảng Nam