Ngành nông nghiệp nỗ lực tìm cách "thoát hiểm" để ổn định sản xuất

Dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp trên toàn bộ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ.
Ngành nông nghiệp nỗ lực tìm cách thoát hiểm để ổn định sản xuất
Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Khó khăn bao vây ngành nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT), cho biết: Trong 8 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản đã đạt được kết quả khả quan với tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 32,1 tỉ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,9 tỉ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỉ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỉ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%. 

Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đối mặt với rất nhiều thách thức: Dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng đến chăn nuôi; biến đổi khí hậu gây nhiều hình thái thiên tai bất thường tác động đến trồng trọt; đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đã khiến khó khăn bủa vây các doanh nghiệp, khiến lượng đơn hàng giảm, nguồn lực lao động không đủ đáp ứng yêu cầu, nguyên liệu sản xuất thiếu hụt, nông sản thiếu đầu ra do giãn cách xã hội, thu mua lúa gặp nhiều khó khăn…

"Thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng chậm do sức mua tiêu dùng hạn chế; đặc biệt, giá trái cây, củ quả tại một số tỉnh giảm mạnh, gây áp lực cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Lưu thông hàng hóa nông sản tại một số địa phương thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 gặp nhiều khó khăn do việc vận chuyển ra vào vùng dịch phải tuân thủ các biện pháp hạn chế, cách ly, kiểm dịch, kiểm tra nên ảnh hưởng đến việc thu mua và cung ứng nông sản tới người tiêu dùng" - ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Sản xuất hiệu quả, "sống chung" với dịch COVID-19

Với ngành thủy sản, chỉ có 30% doanh nghiệp thủy sản phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, công suất sản xuất trung bình giảm còn 30-40%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài.

Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất còn khá cao (vay thế chấp lãi suất từ 7-8% năm, vay tín chấp lãi suất từ 20 – 30% năm)...

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh COVID-19, Bộ NNPTNT đề nghị:

Tại các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, 16: Rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực; Thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; Nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối; Tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16. 

Ngành trồng trọt điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa; ngành chăn nuôi theo dõi sát nhu cầu thị trường, diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để kịp thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp triển khai các biện pháp không để tình trạng tăng đột biến về giá và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi. 

Ngành thuỷ sản tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng có giá trị kinh tế cao...  

(Theo báo Lao Động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục