Miền Trung: Thiếu lao động đi biển

Hiện đang vào vụ cá nam, thời tiết thuận lợi nhưng nhiều tàu cá ở các tỉnh, thành phố miền Trung chưa thể ra khơi do thiếu lao động đi biển.

Tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, TP. Đà Nẵng, không ít tàu thuyền neo đậu tại cầu cảng chưa thể ra khơi dù đang chính vụ đánh bắt.

Ngư dân Phạm Phương, chủ tàu cá DNa 90525 TS ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng , đã 30 năm làm nghề biển nhưng chưa lúc nào ông thấy khó tìm bạn thuyền đi biển như hiện nay.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tàu ông mới ra khơi được một chuyến biển. Theo ông Phương, vụ cá nam năm ngoái, tàu cá của ông đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, mỗi chuyến thu được từ 8 đến 9 tấn cá ngừ nhưng năm nay đành nằm bờ vì thiếu lao động.

“Tàu mình đánh bắt khơi xa dài ngày, phải có khoảng 12 người mới đủ. Nhưng giờ số lao động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thiếu bạn tàu, áp lực công việc sẽ tăng lên gấp bội, nhưng giờ để tàu nằm bờ, thì phải chịu cảnh thua lỗ”, ông Phương cho biết.

Bà Trần Thị Kim Ninh, vợ của chủ tàu cá QNg 94818 TS cho biết, thường mỗi chuyến biển cần 13 lao động nhưng nay tàu cá của bà mới tìm được 8 người. Mặc dù đã chủ động cho lao động ứng tiền trước nhưng nhiều lao động hoặc chạy theo tàu khác hoặc theo đi nghề khác có thu nhập cao hơn.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết: Âu thuyền Thọ Quang hiện có khoảng 600 đến 700 tàu cá các tỉnh miền Trung vào neo đậu, trong đó hơn 30% tàu cá nằm bờ. Đáng lo ngại, do thiếu bạn thuyền, nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67 ở Đà Nẵng phải nằm bờ dẫn đến nợ nần chồng chất.

“Tình trạng khan hiếm lao động nghề biển kéo dài, một phần do nghề biển nhiều rủi ro, nguy hiểm, thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, Đà Nẵng đang trong quá trình phát triển đô thị có nhiều loại hình dịch vụ du lịch, dễ kiếm tiền thu hút được nhiều lao động”, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết.

 Thiếu lao động đi biển, bài toán khó khăn cho các chủ tàu khi ra khơi - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, địa phương hiện có 5.720 tàu cá, trong đó có 3.592 tàu cá trên 90 CV đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, số lao động trực tiếp tham gia sản xuất trên biển chỉ khoảng 38.000 người (chưa kể ngư dân đi bạn cho các tàu cá ngoài tỉnh), nên nhiều tàu không đủ lao động để ra khơi.

Nguyên nhân dẫn đến khan hiếm lao động đi biển là do Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi để ngư dân đóng tàu lớn khiến lượng tàu thuyền phát triển nhanh, trong khi thanh niên ở vùng biển thì chọn hướng đi xuất khẩu lao động hoặc lên bờ làm nghề khác... Số lao động gắn bó với nghề ngày càng già, không còn đủ sức để làm nghề.

“Để giải quyết bài toán cân đối cung-cầu lao động nghề biển, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cho các tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc phát triển thêm tàu mới. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân ưu tiên đóng mới tàu lớn, giảm dần và đi đến loại bỏ những tàu nhỏ khai thác ven bờ, nhằm cân đối lực lượng lao động phù hợp với số lượng tàu thuyền. Đồng thời, triển khai hỗ trợ đào tạo lao động trẻ đi biển, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

(Theo Xaluan)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục