Gió sang mùa

(vasep.com.vn) Hàng năm, vào thời điểm này, gió đã chuyển hướng, cái lạnh đang về, nội ô tỉnh lỵ Sóc Trăng sẽ rất tưng bừng náo nhiệt với các pano, băng rôn đầy đường, cổ vũ cho lễ hội Óc om bóc diễn ra kéo dài một tuần trước rằm tháng 10 âm lịch. Đây là một tập tục của người Khmer, là lễ tạ ơn trời đất cho thời tiết ôn hòa, mùa màng thuận lợi và tiễn đưa nước, báo hiệu kết thúc mùa mưa. Đỉnh điểm của tuần lễ hội là cuộc thi đua ghe ngo diễn ra trong hai ngày 14 và 15 âm lịch.

Gió sang mùa

Lễ hội này thu hút hàng trăm ngàn người trong và ngoài tỉnh đến dự, tập trung ở hai buổi đua ghe ngo. Mấy năm gần đây có xe bus tới các trung tâm huyện, việc đi lại thuận tiện, người dân có thể chiều về trung tâm tỉnh lỵ đắm mình trong các lễ như coi hát dù kê, lễ cúng trăng, thi ghe hoa đăng, thả đèn gió… hoặc vào mua sắm trong hội chợ. Xong khuya có thể về, mai lại lên. Còn những năm xa xưa, lúc đi lại còn khó khăn, họ tập trung về trước một ngày, thức đêm cùng các điểm ca hát… và có thể tá túc qua đêm trong các chùa Khmer. Sức chứa chùa có hạn, chủ yếu là họ đi rảo trên đường, ghé các quán nước, quán ăn dã chiến mới dựng lên ven các trục lộ chính, đợi trời sáng. Đại đa số là dân trẻ tuổi, nam nữ từng nhóm nhỏ. Một nhóm ngủ vật vờ ở các sạp hàng trống trong chợ… Vui nhưng khá vất vả! Rất hiếm cảnh say sưa.

Hai năm qua dịch bệnh đã bùng phát, nhưng căng thẳng tập trung năm nay. Năm rồi, đua ghe ngo vẫn diễn ra và cũng đông vui như thường lệ. Có ghe nhiều tỉnh bạn cùng tham dự nên cuộc thi thêm sôi nổi, quyết tâm. Năm nay khác rồi, trung tâm tỉnh lỵ chưa bao giờ yên lặng như bây giờ. Tỉnh đã thông báo không tổ chức lễ hội Óc om bóc – đua ghe ngo năm nay nhằm giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh do lễ hội này thu hút quá nhiều người trong không gian tuy mở nhưng có mật độ cao.

Lễ hội không diễn ra, các nhà chùa không tốn công lo sắp xếp sửa chữa ghe đua, tổ chức tập luyện. Lễ hội không diễn ra, hàng trăm trai tráng sống quanh các chùa không mất buổi chiều cả tháng để tập trung luyện tập cho cuộc đua. Phải tập thể lực, tập bơi với dầm cho chuẩn kỹ thuật trên cạn. Sau đó tập bơi dưới nước nhưng chỉ là trên các khung gỗ đóng trên ao nước trong chùa hoặc khúc sông gần chùa. Khung gỗ này sao chép như không gian trên ghe đua.

Khoảng tuần trước khi lịch thi diễn ra, chùa sẽ làm lễ khá long trọng đưa ghe bảo quản trong chùa ra sông, hạ thủy ghe. Lúc đó các thành viên trong đội bơi thi mới bơi thật trên ghe và tập dượt cự ly thi cho đến cận ngày thi. Chùa phải có huấn luyện viên tập cho đội bơi. Họ bơi nhanh chậm theo tiếng còi của huấn luyện viên cùng theo ghe. Khi ghe thi đấu, huấn luyện viên đứng ở khoảng giữa ghe, tay làm động tác thúc giục, miệng thổi còi, trông rất khí thế và sinh động. Âm thanh cao thấp và độ nhặt thưa của tiếng còi chính là chiến thuật thi đấu. Trên mỗi ghe bơi có năm sáu chục tay bơi, nên quan trọng là sự đồng đều khi hạ dầm bơi, góc dầm và tốc độ chạm nước và tốc độ đẩy lùi dầm - bơi. Nói nghe dễ, nhưng năm bảy chục ghe đua dự thi, chỉ có một ghe hạng nhất, sự quyết tâm là chưa đủ. Tính đồng đều và đồng đội cộng với bản lĩnh huấn luyện viên sẽ cho kết quả tốt hơn.

Lễ hội không diễn ra, thanh niên người Khmer mất một niềm vui không nhỏ. Mỗi năm người Khmer có ít ra 3 lễ lớn. Như đợt người lao động làm ăn xa ùn ùn về quê đầu tháng 10 vừa qua, nhằm lúc người Khmer về dự lễ Dolta, một lễ hội giống như lễ Thanh Minh người Hoa hoặc lễ Vu Lan người Kinh. Họ còn lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) diễn ra giữa tháng tư dương lịch. Người Khmer rất trung thành và tham gia các lễ hội hết mình.

Thí dụ như lễ đua ghe ngo, nếu nhằm lúc lúa nhà chưa thu hoạch, chưa có tiền, họ có thể vay mượn để về dự hội đua; có dịp hòa mình vào không gian, không khí đầy nét bản sắc văn hóa dân tộc. Dù vay tiền lãi suất cao, họ cũng chấp nhận. Đại đa số người Khmer theo đạo Phật, dòng Nam Tông. Năm nay, không có lễ hội tập trung, nhưng thiết nghĩ tại các chùa Khmer chắc sẽ có một lễ nho nhỏ để người dân Khmer có dịp thể hiện tín ngưỡng của mình cũng như sự tri ân đất trời, thành kính đức Phật. Sóc Trăng có khoảng trăm chùa Khmer.

Hàng năm khi lễ diễn ra, sáng sớm đi bộ tập thể dục, tôi hay kết hợp đi tới các tụ điểm ca hát thu hút người tới xem. Khó tin là các màn ca hát gần như diễn ra cả đêm. Có thể do nhiều đội văn nghệ Khmer luân phiên. Lúc này, trên đường, món ăn phổ biến nhất là cốm dẹp (ngoài Bắc chỉ gọi là cốm). Đây cũng nhằm lúc có đợt thu hoạch lúa và nhờ đó cốm dẹp mới có nguyên liệu làm ra. Thật ra, đây cũng là món ăn có tính chất tập tục như thể hiện sự đón nhận quà từ đất trời ban tặng thông qua mưa thuận gió hòa.  

Cũng có lúc đêm 14 âm lịch, tôi rủ con gái nhỏ hòa mình vào dòng người nam thanh nữ tú đến bờ sông trong nội thị coi các ghe trang trí đèn màu sặc sỡ, neo trên sông và nhất là không gian nội thị đầy màu sắc của đèn, pano và dòng người lũ lượt. Cũng có lúc tôi cũng tham dự trực tiếp xem cuộc thi đua ghe ngo. Nhưng lúc đó, phải len lách được dòng người đến dự quá đông trên khoảng nửa cây số khiến tôi thấy vất vả quá. Vả lại, ngồi trên khán đài cũng chỉ mục kích tận mắt lúc ghe tới đích. Còn diễn biến trên đường đua chỉ có thể coi trên truyền hình trực tiếp. Vậy là tôi nằm nhà coi truyền hình trực tiếp cảm thấy còn khỏe hơn. Chỉ khi nào lúc cuộc thi diễn ra, có bạn từ đâu xa về, muốn đi coi thi, tôi mới làm hướng dẫn viên. Dĩ nhiên đây chỉ là suy nghĩ cá nhân, của người có tuổi, khác hoàn toàn giới trẻ đầy sôi nổi!

Dân số tỉnh Sóc Trăng gần 1,3 triệu người, người Khmer chiếm trên 30%, nhiều nhất cả nước, nên các doanh nghiệp đông lao động, như các doanh nghiệp chế biến tôm, có trên phân nửa là lao động người Khmer. Tỉnh Sóc Trăng cho phép người lao động Khmer được nghỉ làm, hưởng các lễ như kể trên.

Những lúc đó, lao động trong các doanh nghiệp còn khoảng phân nửa, nên có ảnh hưởng tiến độ hoạt động. Nhưng đã quen rồi, các doanh nghiệp biết sắp xếp khi các lễ hội diễn ra. Hiện nay các doanh nghiệp ở đây đang hồi phục và nỗ lực bù đắp phần thiếu hụt do thu hẹp quy mô do phải tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” thời gian qua. Tình huống không có tổ chức lễ như là trong rủi co may cho các doanh nghiệp. Vả lại, người lao động nào cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì lo toan dịch bệnh, cũng không đủ tâm trí cho lễ hội.

Thôi thì cùng nhau ráng làm, hẹn năm sau dự thật đông để lễ hội thêm vui. Gió đang sang mùa. Cầu mong gió sẽ cuốn đi những phiền toái từ dịch bệnh đã và đang diễn ra, để có một hồi sinh mới sớm nhất và sáng sủa hơn.

Rằm tháng 10 âm lịch 2021

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia