FAO dự báo về tiêu thụ và thương mại thủy sản thế giới tới năm 2025

(vasep.com.vn) Cá dự kiến sẽ vẫn là loài được sử dụng chủ yếu trong tiêu dùng, nhờ có giá trị dinh dưỡng đa dạng và là thực phẩm lành mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, sản lượng bột cá và dầu cá dự kiến sẽ giảm.

Tiêu thụ

Trong 10 năm tới, tiêu thụ cá toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 31 triệu tấn lên 178 triệu tấn trong năm 2025. Tiêu thụ cá bình quân đầu người năm 2025 dự kiến đạt 21,8 kg, tăng 8% so với mức 20,2 kg hiện nay, do thu nhập tăng và đo thị hóa kết hợp với việc mở rộng sản xuất và cải thiện các kênh phân phối. Tuy nhiên, tiêu thụ sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với 10 năm trước, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2025, khi giá cá bắt đầu đắt hơn so với thịt.

Tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ cá bình quân đầu người hàng năm được dự báo sẽ giảm từ 1,9% trong thập kỷ trước xuống còn 0,8% trong mười năm tới. Năm 2014, lần đầu tiên mức tiêu thụ thủy sản nuôi vượt mức tiêu thụ thuỷ sản khai thác, do vậy, ngành nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ tăng thị phần và cung cấp 57% cá cho người tiêu dùng trong năm 2025 .

Tiêu thụ cá bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng ở tất cả các châu lục, với châu Á, Châu Đại Dương và châu Mỹ La tinh và vùng Caribê sẽ cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất. Đặc biệt, mức tăng chủ yếu là ở Brazil, Peru, Chile, Trung Quốc và Mexico. Trong khi đó, tiêu thụ cá dự kiến vẫn ổn định hoặc giảm ở một số nước, trong đó có Nhật Bản, Nga, Argentina và Canada. Mức tiêu thụ tại châu Phi dự kiến tăng nhẹ (2%), nhờ vào sự tăng trưởng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản và NK.

Chênh lệch về mức tiêu thụ cá sẽ vẫn tồn tại giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, dù khoảng cách đó đang dần được thu hẹp. Ở các nước đang phát triển, tiêu thụ cá bình quân đầu người hàng năm sẽ tăng từ 19,6 kg lên 21,5 kg vào năm 2025. Trong khi đó, tiêu thụ cá bình quân đầu người ở các nước phát triển ước tính tăng từ 22,7 kg lên 23,4 kg. Tuy nhiên, nếu không tính khu vực Sahara của châu Phi, tiêu thụ cá bình quân đầu người năm 2025 ở các nước đang phát triển sẽ đạt 24,3 kg, tăng so với mức tiêu thụ ở các nước phát triển. Tiêu thụ cá bình quân đầu người tăng 10% nói trên là do một số yếu tố sau: tiêu chuẩn sống tăng; dân số tăng; đô thị hóa nhanh chóng; nhận thức của người tiêu dùng rằng cá là thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng tăng; và công nghệ trong chế biến, đóng gói và phân phối thực phẩm ngày càng phát triển.

Ngoài ra, sự gia tăng ở các nước phát triển cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại và chế độ ăn uống đang dần thay đổi mà. Hơn nữa, người tiêu dùng, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, đang ngày càng quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, phúc lợi động vật và an toàn thực phẩm. Những yếu tố này cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của khách hàng, trong đó có các sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, khối lượng thủy sản NK phục vụ cho tiêu thụ tại các nước phát triển cũng tăng đáng kể.

Tiêu thụ bột cá và dầu cá sẽ vẫn giữ ở mức đặc trưng do sự cạnh tranh truyền thống giữa nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc đối với bột cá, và giữa nuôi trồng thủy sản và thực phẩm cho tiêu dùng đối với dầu cá, nhưng vẫn sẽ bị hạn chế do sản xuất khá ổn định. Vì mức giá vẫn ở mức cao và những nỗ lực đổi mới, tiêu thụ bột cá và dầu cá dùng làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Với thành phần giàu axit béo omega-3, chế biến dầu cá cho tiêu dùng dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng.

Thương mại

Khối lượng giao dịch các sản phẩm thủy sản sẽ tiếp tục ở mức cao nhờ vào tiêu thụ các mặt hàng này tăng, chính sách tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa của hệ thống thực phẩm, và đổi mới công nghệ trong chế biến, bảo quản, đóng gói và vận chuyển.

Đến năm 2025, khoảng 36% tổng sản lượng thủy sản bao gồm thương mại giữa các nước thành viên của Liên minh châu Âu (thương mại trong nội khối EU) là các sản phẩm thủy sản đa dạng phục vụ cho tiêu dùng của con người.

Năm 2025, thương mại thủy sản toàn cầu cho tiêu dùng dự kiến ​​sẽ vượt 46 triệu tấn, tăng 18%, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm giảm trong từ 2,3% trong giai đoạn 2006-2015 xuống còn 1,9% trong năm giai đoạn 2016 -2025. Nguyên nhân là do giá cao, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất các sản phẩm thủy sản giảm trong khi nhu cầu trong nước tăng mạnh ở một số nước XK chính.

Nuôi trồng thủy sản sẽ đóng góp cho một phần đáng kể và ngày càng tăng trong thương mại toàn cầu đối với các mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng của con người.

Trong thập kỷ tới, các nước đang phát triển sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại thủy sản, ngược lại so với các nước phát triển. Trong thập kỷ tới, các nước đang phát triển sẽ tiếp tục dẫn đầu trong XK thủy sản cho tiêu dùng, mặc dù tỷ trọng trong tổng khối lượng giao dịch dự kiến giảm nhẹ (từ 67% xuống còn 66% trong năm 2025). Với vai trò quan trọng trong sản xuất thủy sản, phần lớn mức tăng trưởng trong XK các sản phẩm thủy sản dự kiến là có nguồn gốc từ các nước châu Á, chiếm khoảng 67% tổng XK vào năm 2025. Khi đó, thị phần XK phục vụ cho tiêu dùng của các nước Châu Á kỳ vọng tăng nhẹ từ 50% lên 53% nhờ việc mở rộng sản xuất nuôi trồng thủy sản. Ở cấp quốc gia, Trung Quốc, Việt Nam và Na Uy sẽ là các nước XK cá lớn nhất thế giới.

Dù kinh tế phục hồi chậm nhưng liên tục, nhu cầu tiêu dùng thủy sản ở hầu hết các nước phát triển như Nhật Bản, các nước châu Âu và Bắc Mỹ dự kiến ​​sẽ được phục hồi, NK thủy sản dự kiến ngày càng tăng. Do tình trạng sản xuất thủy sản trong nước trì trệ, nhìn chung, các nước phát triển sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thủy sản NK bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước, NK thủy sản tại các nước này dự kiến ​​sẽ tăng 20% so với thập kỷ trước.

Tuy nhiên, mặc dù các nước phát triển sẽ vẫn là các nước dẫn đầu thế giới trong NK các sản phẩm thủy sản cho tiêu dùng, tỷ trọng NK của họ dự kiến giảm từ 54% trong giai đoạn 2013 -2015 xuống còn 53% trong năm 2025.

Tuy nhiên, NK nguyên liệu cho ngành chế biến tái XK và đáp ứng tiêu thụ trong nước tại các nước phát triển ngày càng tăng. Trong đó, NK từ một số quốc gia châu Á (bao gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam), Brazil và một số nước ở vùng Cận Đông và châu Phi dự kiến tăng.

XK bột cá dự kiến đạt 3 triệu tấn, tăng 15% trong giai đoạn 2016 - 2025. Các nước đang phát triển sẽ vẫn là nhà XK đồng thời là các nhà NK bột cá chính. Do giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, các nước châu Á sẽ vẫn là nhà NK bột cá lớn. Peru sẽ là nước XK bột cá hàng đầu, tiếp theo là Mỹ, Chile và Thái Lan. XK dầu cá dự kiến ​​sẽ tăng 9% trong giai đoạn 2016 -2025. Do nuôi cá hồi và nhu cầu tiêu thụ loài này ngày càng tăng, các nước châu Âu sẽ là các nhà NK chính, chiếm thị phần 57% trong tổng NK dầu cá toàn cầu trong năm 2025.

Những bất ổn chính

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến các dự báo trong têu thụ cá trong giai đoạn 2016-2025. Thập kỷ tới sẽ có những thay đổi lớn trong môi trường, nguồn lực, điều kiện kinh tế vĩ mô, các quy tắc thương mại quốc tế và thuế quan, đặc điểm thị trường, và hành vi xã hội. Những hiệu ứng đó có thể ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường thủy sản trong trung hạn.

Biến đổi khí hậu và điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng là mối đe dọa đến tính bền vững trong khai thác và nuôi trồng thủy sản trong môi trường biển và nước ngọt. Nguyên nhân là do khí quyển ấm dần lên và những thay đổi vật lý (như nhiệt độ bề mặt nước biển, dòng hải lưu, sóng và hệ thống bão) cũng như những thay đổi hóa học (độ mặn, nồng độ oxy, và axit hóa) của môi trường biển. Điều này có thể dẫn đến: nhiệt độ nước ấm dần lên; dòng hải lưu thay thay đổi; mực nước biển tăng; thay đổi lượng mưa, thay đổi dòng chảy, mức nước, cấu trúc nhiệt, và tần số bão; và axit hóa đại dương. Những tác động này có thể dẫn đến những thay đổi về khối lượng và thành phần đánh bắt.

Hơn nữa, các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển tăng được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng trong ngành như cảng và các đội tàu khai thác, ngoài ra các chi phí cho hoạt động khai thác, chế biến và phân phối có thể tăng. Những tác động này có thể sẽ diễn ra khi áp lực về tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái, trong đó môi trường và đất đai ngày càng suy thoái và nước khan hiếm hơn.

Trong thập kỷ tới, sản lượng khai thác thủy sản dự kiến ​​sẽ giữ ở mức tương đối ổn định. Tuy nhiên, dự báo thực tế cho sản lượng khai thác thủy sản khá khó để xác định vì nó phụ thuộc vào năng suất tự nhiên của trữ lượng cá và các hệ sinh thái, cũng như có nhiều thay đổi và nhiều điểm không chắc chắn.

Hơn nữa, các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tình trạng lạm thác trên toàn cầu cũng là mối đe dọa lớn ảnh hưởng đến tính bền vững của các nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, các hoạt động khai thác liên tục của các đội tàu từ khu vực bị khai thác cạn kiệt đến khu vực mới cũng có thể làm giảm sản lượng khai thác toàn cầu trong dài hạn và làm tình trạng lạm thác tăng.

Dự kiến ​​tăng trưởng trong tương lai đối với sản xuất và tiêu thụ thủy sản sẽ chủ yếu có nguồn gốc từ nuôi trồng.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến triển vọng ngành, bao gồm: đất, nước và các cuộc xung đột liên quan; nguồn cung thức ăn chăn nuôi, giống; các vấn đề về môi trường và dịch bệnh; phát triển và áp dụng công nghệ canh tác mới và tân tiến; thị trường, thương mại và vấn đề về an toàn thực phẩm; thay đổi khí hậu; trở ngại về vốn đầu tư; và các vấn đề có thể bắt nguồn từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản không nằm trong tầm kiểm soát. Nuôi trồng thủy sản cũng được dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng qua việc tăng cường, đa dạng hóa loài nuôi, mở rộng sản xuất và thông qua việc giới thiệu các công nghệ nông nghiệp tiên tiến, mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, các chương trình nghiên cứu lớn cũng hỗ trợ các chính sách cũng như các chiến lược mới, mang lại hiệu quả quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế sản xuất.

Mối quan tâm của người tiêu dùng đến các vấn đề như phúc lợi động vật, chất lượng thực phẩm, phương pháp sản xuất và chế biến có thể gây ra những bất ổn hơn nữa trong ngành thủy sản. Đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế phát triển, người tiêu dùng đang ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất bền vững.

Các tiêu chuẩn NK nghiêm ngặt liên quan đến chất lượng và độ an toàn, cùng với những yêu cầu đối với sản phẩm phải tuân thủ tiêu chuẩn về sức khỏe động vật và môi trường và những yêu cầu về trách nhiệm xã hội, có thể là rào cản đối với các nhà sản xuất thủy sản quy mô nhỏ và các nhà khai thác cố gắng thâm nhập vào thị trường quốc tế và các kênh phân phối.

Mức giá trong tương lai có thể bị ảnh hưởng không chỉ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng mà còn bởi sự ra đời của nhiều quy định nghiêm ngặt hơn nữa về môi trường, vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phúc lợi động vật.

Tóm tắt các kết quả dự báo chính

Dưới đây là các xu hướng dự báo chính cho giai đoạn đến năm 2025 từ những phân tích trên:

1. Sản xuất

- Sản lượng toàn cầu, tổng khối lượng tiêu thụ, nhu cầu lương thực và tiêu thụ thực phẩm bình quân đầu người sẽ tăng lên trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này sẽ giảm theo thời gian.

- Sản lượng khai thác toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhẹ, nếu tình trạng lạm thác được quản lý chặt chẽ, đồng thời mở rộng sản xuất nuôi trồng thủy sản toàn cầu được dự báo đáp ứng được nhu cầu trên thị trường, mặc dù tăng trưởng chậm hơn so với thập kỷ trước.

- Các thay đổi lớn trong nhu cầu ở các nước đang phát triển, các nước có tốc độ tăng trưởng dân số vẫn tiếp tục nhưng chậm lại, thu nhập đầu người tăng và đô thị hóa ngày càng mở rộng cũng sẽ làm nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản  tăng.

2. Giá

- Giá sẽ giảm nhưng vẫn giữ ở mức cao.

- Thương mại các sản phẩm thủy sản được dự kiến ​​sẽ tăng chậm hơn so với thập kỷ trước, và tỷ trọng sản lượng thủy sản XK dự kiến ​​sẽ vẫn giữ ở mức ổn định.

Ngoài ra, những tiến bộ trong việc đảm bảo tính bền vững trong khai thác và nuôi trồng thủy sản và những đóng góp trong việc chống lại nạn đói và phát triển kinh tế và xã hội là rất quan trọng, nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận tích hợp để thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 cũng như tất cả mục tiêu liên quan.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục