Quyển lịch 2019 mỏng dần, năm 2019 đã đi tới những ngày cuối trong năm. Ngành thuỷ sản Việt Nam một năm nhìn lại, có kỳ vọng nhưng có cả không như mong muốn.
Khép lại năm 2019
Quyển lịch 2019 mỏng dần, năm 2019 đã đi tới những ngày cuối trong năm. Ngành thuỷ sản Việt Nam một năm nhìn lại, có kỳ vọng nhưng có cả không như mong muốn.
Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cũng như chỉ tiêu riêng con tôm, con cá đều thấp hơn năm rồi, làm sao so sánh số kế hoạch đầy tham vọng. Đi tìm nguyên nhân để từ đó có thêm kinh nghiệm, để tìm ra cái chưa lường hết khi xây dựng kế hoạch, để không đạt kỳ vọng nhưng không đến nỗi thất vọng.
Con cá tra, nhận định là cung có xu hướng giảm do cá minh thái tự nhiên khó khai thác. Nhưng hiệu ứng chiến tranh Mỹ - Trung khiến lượng cá thịt trắng rô phi xuất qua Mỹ bị thuế ngăn chặn. Người tiêu dùng Trung Quốc có nguồn cung tại chỗ. Song song, họ đã âm thầm nuôi cá tra với sản lượng không nhỏ. Trong khi đó, người nuôi cá của ta âm thầm thả giống, sản lượng không kiểm soát hết. Cung tăng khá mạnh, giá đi xuống. Bài học rút ra là thông tin không kịp thời và xử lý càng chậm trễ.
Con tôm, dù các cường quốc tôm đều hô hào tăng sản lượng nuôi. Nhưng thực chất không như vậy. Nguyên nhân giữa vụ, tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công khá mạnh. Nhất là tôm nuôi Ấn Độ và kế tiếp là Việt Nam. Dịch bệnh khiến cỡ tôm bị nhỏ lại, vì tôm chậm lớn; đồng thời sản lượng cũng không tăng mạnh vì một phần bị thiệt hại do dịch bệnh. Giá tôm cỡ nhỏ tiêu thụ không tăng nhưng cỡ lớn tăng khá mạnh, nhất là lúc cuối vụ. Mặt khác, do nguồn cung trong nước giảm, giá tôm nói chung trong nước đã tăng cao khiến nhiều hợp đồng đã ký kết bị thiệt hại không nhỏ nếu giao đúng hạn. Bài học rút ra là thiếu thông tin hoặc có thông tin chậm hoặc không đầy đủ.
Nhìn về năm 2020
Nhìn tới năm 2020, những gì cần rút kinh nghiệm để có chương trình sản xuất kinh doanh tốt hơn thì nên làm. Điều đáng chú ý là chắc chắn các DN tôm không thể nhập hàng block chế biến lại xuất khẩu vì vi phạm truy xuất nguồn gốc, chỉ trừ trường hợp có sự thoả thuận của bên tiêu thụ hàng. Như vậy các DN Trung quốc sẽ một mình một chợ các vựa tôm Ecuador, Ấn Độ... Từ đó, thương lái Trung sẽ giảm nhu cầu mua tôm tươi từ Việt Nam, trừ tôm sú cỡ lớn. Đó là một lợi điểm, không lo thương lái Trung Quốc tranh mua, phá giá...
Nhìn tới năm 2020, các thông tin khai thác, nuôi trồng tương ứng phải được quan tâm tìm hiểu cặn kẽ, làm căn cứ nhận định để tránh những điều không hay đã xảy ra trong năm nay.
Nhìn tới năm 2020, không thể không lo về thời tiết, dịch bệnh tiềm ẩn trong nuôi tôm. Chắc chắn dịch bệnh vẫn còn đó vì chưa nghe cơ quan chức năng kết luận. Và nguy cơ này không nhỏ, nhất là vùng nuôi chính của ta nằm ở lưu vực các con sông, nơi nguồn nước cấp nuôi tôm chứa đầy rủi ro khó kiểm soát. Việc theo dõi tiến độ thả giống, tiến độ phát triển tôm nuôi song song việc lập các kế hoạch kinh doanh trung hạn nhằm giảm thiểu rủi ro. Bởi trong lĩnh vực nông nghiệp đầy rẫy nguy cơ khách quan, không thể bỏ trứng dồn trong một giỏ.
Nhìn tới năm 2020, cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng lan toả và hiện diện trong mọi mặt hoạt động. Các DN không thể thờ ơ, phải có sự cộng hưởng nhằm tăng năng suất cũng như khả năng kiểm soát tốt hơn. Mặt khác đòi hỏi truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, các DN không thể đứng ngoài, sẽ bị đào thải. Phải nhanh chóng thay đổi hệ thống quản trị của mình, toàn diện hơn, minh bạch hơn...
Tóm lại, những ngày cuối năm 2019 đã định dạng rõ ràng kết quả hoạt động năm, chưa như kỳ vọng nhưng không nên nói là thất vọng. Chỉ tin rằng những điều chưa hài lòng sẽ là bài học tốt, song song đó nâng cao tính linh hoạt trong chính sách sản phấm, thị trường... nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh... Tất cả để thêm lần kỳ vọng năm 2020 sẽ là một năm ngành thuỷ sản có sự tiến bộ mọi mặt.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN