Doanh nghiệp phải trả hàng trăm, hàng tỷ đồng cho phí hạ tầng cảng biển ở Hải Phòng

(vasep.com.vn) Ngày 12/01/2017, VASEP đã gửi Công văn số 06/2017/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Ngày 13/12/2016, Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND (Nghị quyết 148) về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Nghị quyết 148 được áp dụng từ ngày 01/01/2017.

Theo đó, mức phí áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu là 250.000 đồng/ container 20 feet, 500.000 đồng/ container 40 feet và 20.000 đồng/tấn hàng lỏng, rời; đối với hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan loại hàng khô thu từ 2,2 triệu đồng/container 20 feet và 4,4 triệu đồng/ container 40 feet, loại hàng lạnh thu 2,3 triệu đồng/ container 20 feet và 4,8 triệu đồng/container 40 feet.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) thủy sản có hàng xuất, nhập khẩu (XNK) qua cảng Hải Phòng thì phí mà Hải Phòng thu đã nằm trong các loại phí XNK như phí THC, phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí B/L, phí AMS, phí Telex RL, phí vệ sinh container, phí Seal charge, phí CB Lissur fee, phí cân tải trọng container... mà thực tế các DN XNK đã và đang nộp cho thành phố thông qua các công ty vận chuyển, công ty kinh doanh cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển.

Với mức thu như quy định tại Nghị quyết 148 thì mỗi DN sẽ phát sinh chi phí phải trả từ vài trăm triệu đồng đến tỷ đồng/năm. Theo phân tích của VASEP và các DN, thì quy định thu phí này là không hợp lý, phí chồng phí và tăng thêm nhiều gánh nặng cho DN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực.

Với việc ban hành và thực hiện NQ 148 kể trên, Hiệp hội và các DN thủy sản cho rằng, quy trình ban hành văn bản (pháp luật) quy định thu phí của Tp. Hải Phòng là chưa đúng với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 vì Nghị quyết 148 ban hành ngày 13/12/2016 và được áp dụng ngay từ ngày 01/01/2017 (chỉ sau 17 ngày).

Việc tính toán xác định mức phí, căn cứ xây dựng mức thu và đánh giá khả năng đóng góp của người nộp phí cần phải đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí quy định tại Luật Phí và Lệ phí, cũng như tuân thủ đầy đủ theo Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí – trong đó, tại Điều 6 quy định: “Đề án thu phí gồm: Phương thức cung cấp dịch vụ, thu phí; dự kiến mức thu, căn cứ xây dựng mức thu; đối tượng chịu phí; miễn giảm phí; dự toán thu chi, tỷ lệ để lại; đánh giá khả năng đóng góp của người nộp phí; hiệu quả thu phí”.

Nội dung này cũng đã được nêu rõ tại công văn số 15498/BTC-CST ngày 31/10/2016 của Bộ Tài chính gửi UBND các tnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thu phí tại khu vực cửa khẩu: “Việc thu phí là để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu”.

Như vậy, việc dự kiến tăng ngân sách của Tp. Hải Phòng năm 2017 thêm 1.500 tỷ đồng như tính toán của Thành phố và được nêu tại cuộc họp ngày 31/12/2016 khi Hải Phòng triển khai Nghị quyết 148 là trái và mâu thuẫn với nguyên tắc “bù đắp chi phí” kể trên của Luật Phí và Lệ phí.

Để thực hiện tốt các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút đầu tư, VASEP đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến để UBND Tp. Hải Phòng dừng việc thu phí theo Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND kể trên và chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan kiểm tra đầy đủ tính hợp lý của việc ban hành và thực thi các nội dung của Nghị quyết.

Mới đây, Tổng cục Hải quan cũng vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng không được yêu cầu DN nộp hoặc xuất trình các chứng từ, giấy tờ khác ngoài các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan. Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, đơn vị nhận được phản ánh liên quan đến việc Cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy tờ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo thông báo số 1548/TB-UBND ngày 21/12/2016 của UBND quận Hải An trong bộ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa XNK, tạm nhập- tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điều 16, Điều 52, Điều 82, Điều 89 và Điều 91 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì hồ sơ hải quan đối với hàng hóa XNK, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan không bao gồm giấy tờ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển.

Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng căn cứ quy định về hồ sơ hải quan để thực hiện. Trong đó, không được yêu cầu doanh nghiệp nộp hoặc xuất trình các chứng từ, giấy tờ khác ngoài các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan.

Còn theo UBND tỉnh Hải Phòng, phí hạ tầng cảng biển này là khoản thu lớn, quan trọng của ngân sách thành phố nhằm tạo nguồn thu để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng Hải Phòng phục vụ các doanh nghiệp vận tải và kinh doanh hàng hóa qua cảng. Đối tượng thu phí rộng, liên quan đến các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa các cảng biển Hải Phòng. Việc thu phí phải bảo đảm nguyên tắc thu đúng, thu đủ theo Nghị quyết HĐND thành phố, bảo đảm thuận tiện, thông thoáng, không ảnh hưởng tới hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM