Mô hình tôm rừng hướng đến sản phẩm sinh thái tự nhiên, không sử dụng thuốc và hoá chất, giảm giá thành, lợi nhuận cao nhất đến 80 triệu đồng/ha/năm.
19.000ha tôm rừng có chứng nhận quốc tế
Tỉnh Cà Mau có khoảng 80 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển, hình thành vùng bãi triều rộng lớn; tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi nước cho các vùng ven biển, nhất là vùng ngập mặn bao phủ xung quanh. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nuôi tôm - rừng.
Cà Mau cũng là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, với hơn 80.000ha. Hiện có hơn 27.500ha nuôi tôm dưới tán rừng, trong đó có hơn 19.000ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…).
Sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao. Ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ còn có nguồn thu thêm từ cua, cá, sò huyết…
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mô hình tôm - rừng kết hợp là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất giảm được giá thành và góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng.
Ông Phạm Thanh Trung, 45 tuổi, thành viên hợp tác xã nuôi tôm sinh thái Đồng Phát Đạt, ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển cho biết, với gần 6ha nuôi tôm dưới tán rừng, gia đình ông có nguồn thu mỗi năm từ 50 - 70 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn các nguồn thu phụ như cua, cá trong vuông.
"Điểm đặc biệt của nuôi tôm dưới tán rừng là ít tốn công chăm sóc và không sử dụng phân thuốc hóa học nên hầu như ít xảy ra dịch bệnh", ông Trung nhận định.
Nông dân được hưởng lợi kép từ mô hình tôm rừng
Bên cạnh đó, sản phẩm tôm - rừng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn khoảng 5 - 10% so với sản phẩm truyền thống.
Đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, các doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ nông dân chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250.000-500.000 ha mỗi năm và con giống có chất lượng cao.
Tại huyện Ngọc Hiển, dự án tôm - rừng sinh thái của Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú đang là điểm sáng. Dự án được thực hiện tại 3 xã Viên An Đông, Viên An và Đất Mũi, với hơn 2.000 hộ thực hiện trên diện tích gần 10.000ha.
Là hộ tham gia dự án tôm sinh thái dưới tán rừng hơn 2 năm nay, ông Ngô Thanh Hiền, 50 tuổi, ấp Ông Trang, xã Viên An, phấn khởi nói: "Gia đình tôi có hơn 4ha diện tích đất nuôi tôm. Nhờ áp dụng nuôi tôm theo mô hình này giá tôm luôn được thu mua cao hơn giá thị trường. Hiện, thu nhập từ hơn 4ha diện tích đất của gia đình khoảng 120 – 130 triệu đồng/năm nên cuộc sống tương đối ổn định".
Để được chứng nhận nuôi tôm sinh thái, hộ nuôi phải tuân thủ các nguyên tắc khuyến cáo của ngành chuyên môn về quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn; bảo vệ động vật hoang dã thuộc sách Đỏ; quản lý đầu vào, con giống, quản lý rác thải, chất thải,...
Người nuôi phải ghi chép tất cả các hoạt động liên quan đến nuôi tôm (cải tạo, diệt cá tạp, thả giống, thu hoạch,…) và các hoạt động khác (chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt,…) vào nhật ký. Các tài liệu, hồ sơ phải được lưu giữ tất cả theo quy định trong thời hạn 5 năm (hợp đồng, nhật ký trại nuôi, hóa đơn mua giống,..).
Đối với việc phát triển mô hình tôm - rừng kết hợp, ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau thông tin, địa phương sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả; khuyến khích áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi mới, thân thiện môi trường. Ngành nông nghiệp cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng nuôi quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi.
Trong năm 2021, tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau đạt 279.648ha. Trong đó, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 7.927ha (riêng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 3.683 ha); nuôi tôm quảng canh cải tiến 163.170ha; tôm - lúa khoảng 37.149ha; tôm - rừng hơn 80.0000ha; nuôi quảng canh kết hợp (cua, cá, sò huyết…) khoảng 45.825ha. Sản lượng tôm nuôi 205.290 tấn, đạt 95,5% so kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước.
Mỹ Hạnh (Theo Dân Việt)