TỔNG QUAN NGÀNH TÔM VIỆT NAM

Sản xuất và xuất khẩu tôm

Trong giai đoạn 6 năm, ngành tôm Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong sản xuất và xuất khẩu. Diện tích nuôi tôm tăng trung bình 5% mỗi năm, trong khi sản lượng tăng trung bình 8,4%, chủ yếu nhờ năng suất nuôi tôm chân trắng cải thiện. Sản lượng tôm chân trắng tăng liên tục và tăng mạnh 82% sau 5 năm với mức tăng trung bình 13% mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng tôm sú ghi nhận mức giảm trung bình 1,5% và giảm 8% sau 6 năm, năng suất không có sự tăng trưởng đáng kể so với tôm chân trắng.

Sau 5 năm, xuất khẩu tôm chân trắng ngày càng chiếm ưu thế trong sản phẩm tôm xuất khẩu nhờ tăng trưởng mạnh (tăng trung bình năm 7%).

Sản phẩm tôm đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn (60%) trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam. Tôm chế biến chỉ chiếm tỷ trọng đáng kể ở một số thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản). Tỷ trọng tôm chế biến tại thị trường Mỹ cao nhất (trên 50%) so với tại thị trường EU, Nhật Bản trên 40%, Hàn Quốc trên 30%, trong khi ASEAN và Trung Quốc ở mức thấp (4-10%).

Tôm của Việt Nam là 1 trong 2 loài thủy sản nằm trong chiến lược phát triển nuôi của quốc gia. Việt Nam có hơn 350 cơ sở sản xuất tôm đủ điều kiện xuất khẩu. Top 5 DN xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 150 triệu USD, chiếm gần 35% tổng kim ngạch XK. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất và có thế mạnh về sản xuất hàng GTGT.

Phát triển bền vững

Để có được những thành tựu đáng kể này, kể từ khi bắt đầu vào đầu những năm 1990, ngành tôm Việt Nam đã phát triển cả về quy mô và quản lý kỹ thuật và năng lực về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý các tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng bắt đầu từ trại sản xuất giống, nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại nuôi và nhà máy chế biến đến xuất khẩu thông qua các kho lạnh hiện đại. Bằng chứng đáng tin cậy nhất cho thấy nuôi tôm tại Việt Nam vừa an toàn vừa bền vững đó là các chương trình chứng nhận ngày càng tăng của các tổ chức chứng nhận quốc tế về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt bao gồm BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), Global Gap và ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản). Để đạt được các chứng nhận này, các trang trại phải được xây dựng và vận hành dựa trên các tiêu chí:

- Tuân thủ pháp luật

- Bảo tồn môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học

- Bảo tồn tài nguyên nước.

- Bảo tồn sự đa dạng của các loài và quần thể tự nhiên

- Sử dụng có trách nhiệm nguồn thức ăn và các nguồn tài nguyên khác.

- Sức khỏe động vật (không sử dụng kháng sinh và hóa chất không cần thiết).

- Trách nhiệm xã hội (ví dụ: không có lao động trẻ em, đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động, tự do hội họp, quan hệ cộng đồng).

Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm
Nhờ sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) và VASEP trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn và việc tuân thủ các quy tắc, quy định của pháp luật Việt Nam và thị trường nước ngoài và các chứng nhận cập nhật và tuân thủ nâng cao của Luật Lao động, Luật An toàn thực phẩm và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các công ty tôm đang áp dụng các biện pháp thực hành tốt trong cả trang trại và nhà máy chế biến các sản phẩm thủy sản trong đó có tôm. Ngoài ra, mỗi năm, các công ty phải được kiểm tra bởi các cơ quan kiểm tra độc lập, tổ chức chứng nhận quốc tế và cơ quan chức năng Việt Nam.

 

 

  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm

TS. Hồ Quốc Lực

Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thực phẩm Sao Ta.