Tổng hợp tin thủy sản, tuần từ ngày 21-27/3/2022

(vasep.com.vn) Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành thuỷ sản Mỹ; Xuất khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp thủy sản khởi sắc; Cơ hội quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng Mexico; Xuất khẩu cá tra đang hồi sinh ở nhiều thị trường lớn; Cảng Thanh Đảo siết chặt quy trình nhập khẩu thủy sản vì Omicron bùng phát

Tổng hợp tin thủy sản tuần từ ngày 212732022

Xung đột Nga – Ukraine: Cơ hội – Thách thức nào với thuỷ sản Việt Nam?. Xung đột Nga – Ukraine, đỉnh điểm là cuộc tấn công vào Ukraine ngày 24/2 vừa qua là mối quan tâm và quan ngại của cả thế giới. Ngành thuỷ sản thế giới cũng quay cuồng trong vòng xoáy của chiến sự này. Ngành cá thịt trắng thế giới chắc chắn sẽ bị tác động bởi cuộc xung đột này. Nga là nước có thế mạnh về thuỷ sản khai thác và là nguồn cung cấp cá thịt trắng đứng đầu thế giới. Các loài cá XK chủ lực của Nga gồm cá minh thái và cá tuyết cod. Cá của Nga được tiêu thụ nhiều ở EU, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài ra, phần lớn cá Nga còn được chuyển sang Trung Quốc để gia công chế biến XK đi các thị trường trên. Trước hành động của Nga với Ukraine, nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, các nước EU, Anh…đều có những động thái chống lại Nga. Những phản ứng này đang và sẽ tác động mạnh đến cung – cầu, giao thương thuỷ sản thế giới.

Xuất khẩu hải sản đạt 565 triệu USD trong 2 tháng đầu năm. Tháng 2/2022, tổng xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam đạt 219,6 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu các sản phẩm này đạt 565 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện xuất khẩu hải sản chiếm 37% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước.

Xuất khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp thủy sản khởi sắc. Cùng với số liệu xuất khẩu thủy sản khả quan trong các tháng đầu năm 2022, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh thủy sản tăng mạnh trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp đã công bố tình hình kinh doanh 2 tháng đầu năm tích cực.

Cơ hội quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng Mexico. Nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Mexico, từ ngày 23-24/3, Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico) phối hợp với Bộ Kinh tế Mexico tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Mexico 2022. Các doanh nghiệp tham gia hội nghị sẽ được Ban tổ chức bố trí lịch giao thương, hướng dẫn trao đổi theo nhóm sản phẩm hoặc theo cặp doanh nghiệp.

Xuất khẩu cá ngừ: Tận dụng hiệu quả các FTA. Cá ngừ là một trong những mặt hàng đã tận dụng tốt các FTA như EVFTA, CPTPP để gia tăng xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm nay, ngoài thị trường Mỹ tăng mạnh tới 99% với kim ngạch 80 triệu USD thì các thị trường có FTA thế hệ mới với Việt Nam đều tăng cao. Trong đó thị trường khối CPTPP gồm Canada tăng 52%, Chile tăng 99%..., khối EVFTA như Hà Lan tăng mạnh 114%, Bỉ tăng 163%...

Những sản phẩm thủy sản thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường Anh. Nhu cầu thị trường lớn, cùng với tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), giúp việc xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt qua thị trường Anh đang đứng trước cơ hội bứt phá.

Thương mại cá thịt trắng EU – Nga gặp nhiều khó khăn – liệu sẽ có lệnh cấm?. Liên quan đến xung đột giữa Nga – Ukraine, hoạt động thương mại giữa EU và Nga bị suy giảm nghiêm trọng do những động thái nhằm chống lại Nga từ phía EU. Hệ quả là các vấn đề về thanh toán, thuế suất, chi phí nhiên liệu gia tăng và khó khăn trong tìm kiếm nhà cung ứng thay thế liên tục nảy sinh.

Giá cá ngừ vằn Manta tăng nhanh. Giá cá ngừ vằn tại cảng Manta tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục trong 2 năm qua. Sản lượng đánh bắt thấp trong khi nhu cầu thu mua cá ngừ nguyên liệu thô tăng là những yếu tố chính đẩy giá cá ngừ lên cao.

Giá cá tra sẽ bình ổn trở lại, chuyên gia khuyến cáo nông dân không ồ ạt thả nuôi. Trước cơn sốt cá tra, nhiều nông dân vay vốn, ồ ạt thả nuôi, chấp nhận giá con giống, thức ăn chăn nuôi ở mức cao, Chủ tịch hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo nông dân cẩn trọng, có chiến lược thả nuôi phù hợp với cung - cầu, nếu không câu chuyện rớt giá sẽ tái diễn. Để nghề nuôi cá tra bền vững, đi vào ổn định, các hộ nuôi cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để không phải lo lắng về đầu ra. Ngược lại, phía doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong việc hoạt động kinh doanh, ước lượng khả năng tiêu thụ cá nguyên liệu để có ký kết cụ thể với số hộ nuôi cá.

POR17: Thêm NTSF SEAFOODS được hưởng thuế chống bán phá giá 0% khi xuất cá tra sang Mỹ. Ngày 21/3/2022, Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ (Federal Register) đã đưa ra thông báo của Bộ Thương mại Mỹ về kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) với cá tra đông lạnh NK từ Việt Nam giai đoạn từ ngày 01/8/2019 - 31/7/2020. Trong đợt rà soát này, Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF (NTSF SEAFOODS) được hưởng mức thuế suất 0% khi XK cá tra phile đông lạnh sang Mỹ.

Doanh nghiệp Mỹ tổn thất hàng trăm triệu USD bởi lệnh cấm đối với cua Nga. Theo dữ liệu Hải quan Hoa Kỳ, Direct Source, Arctic Seafoods, Orca Bay Seafoods và Deiss Sales Company là 4 doanh nghiệp thủy sản Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh của Tổng thống Joe Biden cấm nhập khẩu thủy sản của Nga từ ngày 25/3.

Xuất khẩu cá ngừ tháng 2/2022 tăng 57%. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi tăng vọt 108% đạt 88 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang tháng 2/2022 tiếp tục đà tăng trưởng ở mức cao 57%, đạt 67 triệu USD. Con số này gần gấp đôi so với tháng 2/2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Đức năm 2021 giảm. Lượng cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào Đức năm 2021 đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua do lượng giao hàng từ các nhà cung cấp lớn như Ecuador và Philippines giảm. Nguyên nhân của sự sụt giảm NK cá ngừ đóng hộp của Đức trong năm qua là do các nhà bán lẻ và người mua giải phóng lượng tồn kho đã mua dự trữ từ năm trước.

Mỹ tăng nhập khẩu cua trong năm 2021Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ nhập khẩu 13.600 tấn ghẹ xanh từ Indonesia trong năm 2021, tăng 13% so với năm 2020. Giá trị nhập khẩu sản phẩm này đạt 422.6 triệu USD, tăng 80% so với năm 2020.

Sản lượng vẹm Chile giảm. Sản lượng vẹm của Chile dự kiến giảm 15-20% trong năm 2022 do các yếu tố tự nhiên. Cùng với đó, XK vẹm Chile sang Nga và Ukraine (chiếm 20% tổng XK vẹm của Chile năm 2021) cũng giảm. Năm 2021, Chile XK 17.000 tấn vẹm sang Nga và 5.000 tấn sang Ukraine với tổng trị giá 50 triệu USD.

Xuất khẩu cá tra đang hồi sinh ở nhiều thị trường lớn. Xuất khẩu cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm nay nổi bật một “màu xanh tăng trưởng” ở hầu hết các thị trường lớn, tổng giá trị XK đạt 384,8 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số. Các DN cá tra Việt Nam hi vọng rằng, xu hướng này tiếp tục duy trì cho tới cuối năm.

Cảng Thanh Đảo siết chặt quy trình nhập khẩu thủy sản vì Omicron bùng phát. Sau khi biến thể Omicron bùng phát ở TP Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), chính quyền ở đây tăng cường các biện pháp kiểm dịch thủy sản, đặc biệt với hàng đông lạnh.

Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành thuỷ sản Mỹ. Theo ông Jeffrey Martinez-Malo, Giám đốc marketing của Supreme Crab and Seafood có trụ sở tại Weston, Florida, lệnh hành pháp mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm nhập khẩu tất cả các loại thủy sản của Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành thuỷ sản Mỹ vì sẽ khiến chi phí quản lý và vận chuyển tăng, thiếu sản phẩm, giá tiêu dùng tăng và thậm chí có thể đóng cửa nhà máy chế biến.

SeaProdex chi 1.200 tỷ đồng chia cổ tức khủng, tỷ lệ 95%. Theo đó, SeaProdex chốt danh sách cổ đông vào ngày 1/4/2022 để chi trả cổ tức và tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Mức chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 95%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 9.500 đồng. Ngày thanh toán cổ tức và ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông dự kiến vào ngày 27/4/2022. Với 125 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi 1.200 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Trữ cá tra nguyên liệu giá thấp, IDI đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 gấp hơn 6 lần. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (IDI CORP - Mã CK: IDI) – đơn vị thành viên Tập đoàn Sao Mai (Mã CK: ASM) trình kế hoạch kinh doanh 2022 gồm doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng; lần lượt tăng 45,6% và gấp 6,3 lần thực hiện 2021. Tỷ lệ cổ tức kế hoạch ở mức 30% tiền mặt.

Minh Trang

(Nguồn ảnh: FAI Farms)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục