Cùng với số liệu xuất khẩu thủy sản khả quan trong các tháng đầu năm 2022, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh thủy sản tăng mạnh trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp đã công bố tình hình kinh doanh 2 tháng đầu năm tích cực.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản tháng 2/2022 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với mức tăng đột phá 62% so với tháng 2/2021, ước đạt 635 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đạt được kết quả trên là do các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loài thủy sản thế mạnh như tôm, cá tra... Sản xuất, chế biến thuỷ sản gần như đã trở lại bình thường như thời điểm trước dịch. Nhu cầu của thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng.
Một số doanh nghiệp thủy sản đã công bố kết quả kinh doanh tích cực 2 tháng đầu năm. Đơn cử như Công ty CP Vĩnh Hoàn, sau tháng đầu năm khởi sắc, tổng doanh thu của Công ty tiếp tục tăng trưởng trong tháng 2/2022, đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30% so với tháng trước. Trong đó, sản phẩm chủ lực là cá tra phile tăng 160%, đạt 785 tỷ đồng và chiếm hơn nửa tổng doanh thu tháng. Tăng mạnh nhất vẫn là doanh thu dòng tạp phẩm (miscellaneous) với mức tăng 852% lên 118 tỷ đồng.
Về thị trường xuất khẩu, doanh số xuất khẩu của Vĩnh Hoàn vào thị trường Mỹ tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm ngoái tăng mạnh 221% lên 627 tỷ đồng, Trung Quốc tăng 73%, châu Âu tăng 19%. Trong khi đó, doanh số thị trường nội địa (đa phần qua công ty con Sa Giang) đạt 192 tỷ đồng, tăng 147%. So với tháng trước, thị trường Mỹ tăng 89% và Trung Quốc tăng 170%, ngược lại châu Âu giảm 44% và nội địa giảm 5%. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Thực phẩm Sao Ta công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2022 với doanh số tiêu thụ đạt 11,3 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.276 tấn, tăng 41% và thành phẩm nông sản đạt 148 tấn, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2021. Trước đó, kết thúc tháng 1, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số tiêu thụ cao kỷ lục lên tới 28,9 triệu USD, bằng 190% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022, Công ty thu về 40,2 triệu USD doanh số tiêu thụ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, dự kiến đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Xuất khẩu thủy sản tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy tác dụng.
Mặt khác, theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể gây thiếu hụt nguồn cung cá phile từ Nga. Các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam có thể thay thế sự thiếu hụt này. Năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản của Nga đạt 5,85 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nga với 50% thị phần, trong khi Trung Quốc chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh những cơ hội thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng gặp một số thách thức. Theo báo cáo thường niên vừa được Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn công bố, khó khăn lớn nhất đối với hoạt động xuất khẩu là giá cước vận chuyển quốc tế vẫn chưa có xu hướng giảm và dự kiến còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, nguồn nước cấp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt cũng có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung và giá nguyên liệu đối với ngành tôm trong năm 2022.
(Báo Đấu thầu)