Nhật Bản: Lĩnh vực dịch vụ thực phẩm phục hồi chậm sau dịch COVID-19

(vasep.com.vn) Dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực dịch vụ thực phẩm của Nhật Bản, vốn vẫn đang trong tình trạng nhu cầu thấp.

Theo các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến về thị trường XK của Seafish: “Thị trường thủy sản ở Nhật Bản” diễn ra ngày 26/10/2020, các nhà hàng Nhật Bản đang bị hạn chế mở cửa, người tiêu dùng làm việc từ xa và ăn uống tại nhà nhiều hơn.

 Keigo Yoshida, Chuyên gia thương mại quốc tế cho biết: “Mặc dù hầu hết các hạn chế này đã được nới lỏng, nhưng lĩnh vực dịch vụ thực phẩm của Nhật Bản vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Có thể mất vài tháng nhu cầu của lĩnh vực này mới phục hồi. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển và vận tải toàn cầu. Ngoài ra, việc cắt giảm các chuyến bay chở hàng khiến chi phí hậu cần tăng cao đáng kể".

Theo số liệu của Hiroko Sasaki, một nhà báo chuyên về ẩm thực đồng thời là người sáng lập của Chefs for the Blue, doanh số của các nhà hàng đã giảm đáng kể trong tháng 3 và tháng 4/2020, đặc biệt sau thời điểm tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 có hiệu lực ở Nhật Bản vào ngày 8/4/2020.

Trong tháng 4/2020, doanh số bán hàng của các nhà hàng giảm xuống chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ vào cuối tháng 5/2020, lĩnh vực dịch vụ thực phẩm bắt đầu được cải thiện.

"Từ tháng 4 đến tháng 6/2020, các nhà hàng đã trở lại hoạt động từ ​​20% đến 30% công suất tối đa", Hiro Kawasaki, Đại diện của Công ty cá hồi Scotland cho biết thêm. Tính đến tháng 9/2020, con số này đã tăng trung bình lên hơn 50%, đồng nghĩa với việc lĩnh vực này đang bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn thích ở nhà hơn, đó là lý do tại sao doanh số vẫn thấp hơn mức của năm 2019.

Doanh thu tại tất cả các chuỗi nhà hàng sushi chính của Nhật Bản cũng giảm đáng kể 50% so với cùng kỳ năm 2019 do số khách du lịch giảm mạnh. Mặc dù các chuỗi nhà hàng sushi theo xu hướng giống như tất cả các cơ sở ẩm thực khác trong nước, nhưng doanh thu của họ giảm mạnh hơn do khách du lịch nước ngoài giảm mạnh.

Ngoài ra, người tiêu thụ có xu hướng ở nhà để tránh dịch bệnh, vì vậy họ cắt giảm việc đi ra ngoài vào bữa trưa hoặc bữa tối. Tuy nhiên, doanh số bắt đầu tăng ngay sau khi các nhà hàng bắt đầu chuyển sang phương thức bán hàng mang đi.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục