Kỳ lễ Phục sinh muộn thúc đẩy doanh số bán lẻ thuỷ sản tại Mỹ

(vasep.com.vn) Theo báo cáo mới nhất do 210 Analytics công bố, doanh số bán lẻ thuỷ sản tại Mỹ trong tháng 4/2025 đã tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ tác động tích cực từ kỳ lễ Phục sinh diễn ra muộn.

Chú thích ảnh

 

Năm nay, lễ Phục sinh rơi vào ngày 20/4, muộn hơn nhiều so với ngày 31/3/2024. Hệ quả là mùa Chay cũng bắt đầu muộn hơn, ảnh hưởng đáng kể đến doanh số thuỷ sản bán lẻ trong tháng 2. Tuy nhiên, mức tiêu thụ tăng đột biến trong dịp lễ đã thực sự thể hiện rõ vào tháng 4.

Cụ thể, theo 210 Analytics – công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại San Antonio, bang Texas – cả ba phân khúc thuỷ sản gồm tươi sống, đông lạnh và hàng khô đều ghi nhận tăng trưởng đáng kể trong tháng 4/2025.

Doanh số bán lẻ thuỷ sản tươi sống và đông lạnh trong tháng 4 đạt mức tương đương nhau, đều ở mức 673 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, thuỷ sản tươi sống tăng 7,5%, còn thuỷ sản đông lạnh tăng 11,4% về giá trị.

Tính theo sản lượng, mức tiêu thụ cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực: thuỷ sản tươi sống tăng 7,8%, trong khi thuỷ sản đông lạnh tăng mạnh 12,1% so với tháng 4 năm 2024.

Mặc dù có quy mô nhỏ hơn, phân khúc thuỷ sản hàng khô đóng hộp hoặc đóng gói vẫn đạt doanh số 261 triệu USD, tăng 3,4% về giá trị và 7,6% về sản lượng, cho thấy xu hướng tiêu dùng ổn định trong phân khúc này.

Tiêu thụ động vật thân mềm tươi chuyển biến tích cực

210 Analytics ghi nhận rằng ba tuần lễ Chay và Phục sinh đã mang lại tăng trưởng vượt bậc cho thuỷ sản tươi sống. Đáng chú ý nhất là lần đầu tiên trong nhiều tháng, sản lượng tiêu thụ thuỷ sản thân mềm tươi tăng trưởng dương.

Giá trị tiêu thụ động vật thân mềm tươi cũng tăng 6,9% so với cùng kỳ, đạt 180,9 triệu USD trong tháng 4/2025.

Phân khúc cá thịt trắng tươi đạt tổng doanh số 465,1 triệu USD, tăng 8% về giá trị và 9% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Cá hồi tiếp tục chiếm ưu thế tuyệt đối, đạt 320 triệu USD doanh số, tăng 7% về giá trị và 8% về sản lượng.

Tôm tươi cũng ghi nhận bước tiến mạnh mẽ, với 76 triệu USD doanh số, tăng 20% về giá trị và 21% về sản lượng.

Trong khi đó, cua tươi chứng kiến sự suy giảm: doanh số giảm 3%, sản lượng tiêu thụ giảm sâu 12% so với tháng 4/2024, xuống còn 67 triệu USD.

Thuỷ sản đông lạnh tăng trưởng vượt trội, vượt mặt thịt và gia cầm chế biến đông lạnh

Tháng 4 vừa qua được đánh giá là thời điểm bứt phá mạnh mẽ của thuỷ sản đông lạnh, bao gồm cả thân mềm và cá thịt trắng. Đặc biệt, tổng doanh số thuỷ sản đông lạnh đã vượt qua nhóm sản phẩm thịt và gia cầm chế biến đông lạnh, vốn là nhóm dẫn đầu tăng trưởng trong vài năm gần đây, theo 210 Analytics.

Phân tích theo từng loài, tôm đông lạnh tiếp tục dẫn đầu với doanh số 327,6 triệu USD, tăng 13,6% về giá trị và 11,7% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2024.

Xếp sau là cá tuyết cod đông lạnh, với doanh số 85,2 triệu USD, tăng 6,8% về giá trị và 9,8% về sản lượng.

Tuy nhiên, cá minh thái đông lạnh lại là loài tăng trưởng mạnh nhất, với doanh số 54,2 triệu USD, tăng 20,8% về giá trị và tăng vọt 31,1% về sản lượng so với năm trước.

Doanh số hàng khô cũng tiếp tục gia tăng

Phân khúc thuỷ sản đóng hộp và đóng gói – đặc biệt là cá ngừ – cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực trong tháng 4 năm 2025. Doanh số tăng 3,4% về giá trị và 7% về số lượng đơn vị bán ra so với cùng kỳ năm trước.

Cá ngừ vẫn là mặt hàng chủ lực trong phân khúc này. 210 Analytics cho biết doanh số thuỷ sản đóng hộp nhìn chung vẫn duy trì đà tăng ổn định trong nhiều tháng, nhờ xu hướng lan tỏa trên mạng xã hội góp phần thúc đẩy tiêu dùng.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục