(vasep.com.vn) Phán quyết của Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ hôm 28/5 tuyên bố phần lớn mức thuế quan do ông Donald Trump áp đặt trong nhiệm kỳ đầu là bất hợp pháp đã gây chấn động giới thương mại, nhưng các nhà nhập khẩu thủy sản Hoa Kỳ vẫn tỏ ra thận trọng và chưa vội điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Dù phán quyết yêu cầu chính quyền Trump hủy bỏ thuế quan – bao gồm mức thuế “Ngày Giải phóng” 10%, thuế 30% đối với Trung Quốc, và 25% đối với Canada và Mexico – giới chức vẫn còn thời gian để kháng cáo. Chính quyền Trump đã gửi đơn lên Tòa Phúc thẩm Liên bang và có thể tiếp tục đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao nếu cần.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, ngay cả khi phán quyết bị giữ nguyên, ông Trump vẫn có nhiều lựa chọn khác để áp đặt thuế quan, chẳng hạn như sử dụng các điều khoản pháp lý từng được viện dẫn trước đây như Mục 122, 232, 301 hay 338 trong luật thương mại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một số học giả pháp lý, như giáo sư Ilya Somin từ Đại học George Mason, nhận định những cơ sở pháp lý này không đủ mạnh để cho phép áp thuế diện rộng như dưới Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), vốn vừa bị tòa bác bỏ.

Đối với ngành thủy sản, các nhà nhập khẩu đang quan sát kỹ diễn biến pháp lý mà chưa đưa ra hành động cụ thể. “Còn quá sớm để đưa ra kết luận. Chắc chắn phán quyết này sẽ bị kháng cáo theo mọi hướng,” Matthew Fass, Chủ tịch Maritime Products International – công ty nhập khẩu thủy sản có trụ sở tại Virginia – nhận định.
Fass cho biết ông không vội tận dụng việc tạm dừng thuế để đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng như sò điệp Trung Quốc, cá tra Việt Nam hay tôm đỏ Argentina, bởi nguy cơ thuế quan được tái áp đặt luôn hiện hữu. “Chúng tôi đã chứng kiến đủ nhiều chính sách bất ngờ từ chính quyền này để hiểu rằng không có gì đảm bảo,” ông nói.
Cùng quan điểm, Justin Conrad – Chủ tịch công ty Bay Hill Seafood tại Bắc Carolina – cho rằng phán quyết là một ví dụ mới về sự biến động khó lường của thị trường. Công ty ông chuyên nhập khẩu cá tra và cá rô phi từ châu Á và đang duy trì chiến lược “theo dõi sát sao” thay vì đưa ra các quyết định mua hàng quy mô lớn.
“Rủi ro quá lớn để đánh đổi,” Conrad nói. “Chúng tôi vẫn đang hoạt động như vài tháng gần đây – tức là theo dõi hàng tồn kho, theo dõi giá cả, và tránh để bị cuốn theo biến động.”
Conrad cho biết thêm một tác động tức thì mà doanh nghiệp hy vọng sẽ được tháo gỡ là yêu cầu thanh toán thuế quan trong vòng 10 ngày kể từ khi hàng đến Mỹ – một áp lực tài chính lớn. “Dòng tiền bị bóp nghẹt. Ngay cả khi thuế chỉ 10%, con số đó vẫn rất lớn với ngành thủy sản – chúng tôi không có biên lợi nhuận tới mức đó,” ông nói.
Cũng theo ông, kể từ khi Trump tái nhiệm đầu năm nay, công ty đã phải điều chỉnh cách vận hành để đối phó với các chính sách liên tục thay đổi. “Kinh doanh trở nên vô cùng khó khăn. Mỗi hợp đồng đều mang rủi ro riêng. Điều duy nhất chắc chắn lúc này là sự bất định.”