Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng tốc xuất khẩu thủy sản

ĐBSCL là vùng sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra chủ lực của cả nước, dù gặp những khó khăn bởi dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn nỗ lực hoạt động để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm và ổn định tiêu thụ nguyên liệu cho người nuôi.
Đồng bằng sông Cửu Long Tăng tốc xuất khẩu thủy sản
Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh chế biến tôm xuất khẩu.

Tăng trưởng trong thế khó

Tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nơi tập trung rất nhiều các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của ngành chức năng và sự duy trì sản xuất của người nuôi đã giúp ổn định nguồn nguyên liệu nhằm phục vụ tốt nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

Cụ thể, mặt hàng tôm ước tính xuất khẩu tháng 7 đạt 50.000 tấn với trị giá 470 triệu USD, tăng 19,05% về lượng và tăng 22,08% về trị giá so với cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu tôm trong 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 240.000 tấn với trị giá 2,192 tỉ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 16,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm đến nay mặt hàng tôm của Việt Nam được xuất khẩu tới 63 thị trường và hai khu vực thị trường là EU và ASEAN. Trong đó Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt là những thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu tôm tới Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh, Australia tăng trưởng tốt, trong khi xuất khẩu tới Trung Quốc giảm, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc giảm nhẹ về lượng và tăng về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với mặt hàng cá tra lâu nay cũng là thế mạnh của các địa phương ĐBSCL; ước tính xuất khẩu của tháng 7 đạt 70.000 tấn với trị giá 148 triệu USD, tăng 7,69% về lượng và tăng 20,33% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra đạt 458.000 tấn với trị giá 931 triệu USD, tăng 13,54% về lượng và 17,94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Cũng theo các doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm đến nay các sản phẩm cá tra được xuất khẩu tới 96 thị trường, cùng hai khu vực thị trường ASEAN và EU; trong đó thị trường Mỹ, Mexico, Brazil tăng mạnh, trong khi xuất khẩu cá tra tới EU, ASEAN, Anh... giảm so với cùng kỳ.

Tại Hậu Giang giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm so tháng trước là do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách xã hội nên quá trình lưu thông vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, từ vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất đến các thành phẩm đi xuất khẩu. Thêm vào đó, số lượng công nhân làm việc tại các doanh nghiệp xin nghỉ dài hạn để phòng, chống dịch cũng diễn ra nhiều, khiến năng lực hoạt động sản xuất của các nhà máy không thể hoạt động hết công suất. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết dù có hỗ trợ thêm cho công nhân nhưng họ vẫn không chịu vào ở tập trung nên rất khó cho doanh nghiệp.

Gia tăng sản xuất và xuất khẩu

Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) nhận định, từ nay đến cuối năm 2021 nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới có chiều hướng tăng cao, đặc biệt ở những thị trường lớn và thị trường truyền thống. Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và những nhà cung cấp khác sẽ giảm, do chịu tác động xấu từ dịch Covid-19. Từ đó dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt, do có nhiều lợi thế từ hiệp định FTA và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng. Tại ĐBSCL, Sở Công thương các tỉnh cũng cho rằng, tình hình xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 dự báo khả quan, bởi các đơn hàng mà doanh nghiệp xuất khẩu ký kết vẫn nhiều. Dù vậy, khó khăn nhất hiện nay là giá cước vận tải tăng, thiếu container, thiếu tàu vận chuyển… Đồng thời, nhiều việc còn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19.

Dù có những trở ngại, song đường đi cho con tôm ĐBSCL vẫn khá rộng, bởi hàng năm việc xuất khẩu tôm của Việt Nam thường tăng mạnh từ giữa quý III và sang quý IV. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản tăng thị phần. Vấn đề hiện nay là các tỉnh ven biển ĐBSCL có giải pháp mở rộng “vùng xanh an toàn” để tăng diện tích nuôi tôm; tăng thêm các nhà máy sản xuất “3 tại chỗ”; tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch, mua bán, vận chuyển tôm từ ao nuôi đến nhà máy nhanh hơn, mà vẫn đảm bảo quy định phòng chống dịch. Có như vậy, các doanh nghiệp mới đẩy mạnh tiêu thụ tôm cho nông dân; từ đó gia tăng chế biến, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tôm từ 3,8-4 tỉ USD trong năm nay.

Còn cá tra, theo dự báo xuất khẩu quý III/2021 sẽ tăng trưởng tốt do nhu cầu thế giới tăng và nguồn cung cá tra của vùng ĐBSCL vẫn khá ổn định, nếu tình hình dịch Covid-19 không gây ảnh hưởng quá lớn tới các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp thủy sản cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cá tra tới những thị trường lớn và truyền thống là Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Ngoài ra, những thị trường đang phục hồi như Nga, Anh… thì các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý. Đối với những thị trường khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ đang có nhu cầu cao cần đẩy mạnh xuất khẩu cá tra tới nhóm mặt hàng này.

Ngoài những yếu tố thuận lợi về thị trường trong những tháng cuối năm thì cái khó hiện nay vẫn là giá cá tra nguyên liệu còn thấp. Ông Trần Văn Minh, hộ nuôi cá tra ở huyện Chợ Mới (An Giang), băn khoăn: “Mấy năm nay giá cá tra nguyên liệu thấp quá khiến người nuôi mệt mỏi; gần đây xuất khẩu có tín hiệu tích cực là điều đáng mừng, song giá cá nguyên liệu dao động mức thấp chỉ 21.000- 23.000 đồng/kg nên nông dân chưa có lãi, bởi giá thức ăn tăng cao”. Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở tỉnh Đồng Tháp cho hay, thông thường thời điểm quý III và quý IV thì nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng cao, bởi phục vụ lễ Noel và Tết Dương lịch. Do đó, các doanh nghiệp dù đang gặp khó bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vẫn nỗ lực chế biến, gia tăng xuất khẩu nhằm tăng tốc về đích. Một khi xuất khẩu được đẩy mạnh thì giá cá tra nguyên liệu có điều kiện tăng lên…

Ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, thông tin: 2 năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên xuất khẩu cá chậm, HTX cũng không ký được hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp nên bán cho công ty giá thấp. Trong khi thức ăn chăn nuôi tăng giá vùn vụt mà giá cá sụt chỉ còn 21.000 đồng/kg thì hộ nuôi cá tra khó cầm cự nỗi. Nhiều thành viên trong HTX chọn giải pháp là cho cá ăn cầm chừng đợi hết dịch Covid-19 hy vọng giá cá tăng trở lại sẽ xuất bán. Chứ bán tháo bây giờ vừa thiệt hại cho người nuôi mà cũng không có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vì phải mua số lượng lớn trong thời điểm sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết bộ phận chuyên môn của ngành đã vận động người dân giảm cho cá ăn để kéo dài thời gian thu hoạch. Đợi khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác vận chuyển, xuất khẩu thuận lợi thì khi đó giá bán có thể tăng, lúc này người nuôi cá thu hoạch bán ra sẽ có lợi nhuận cao hơn.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 7-2021 đạt 178.000 tấn với trị giá 800 triệu USD, tăng 0,06% về lượng và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 3,08% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt 1,16 triệu tấn với trị giá 4,92 tỉ USD, tăng 11,23% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2,67% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước.

(Theo báo Hậu Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục