Covid-19 bủa vây trong nước, doanh nghiệp thủy sản khó tận dụng triệt để cơ hội từ thị trường quốc tế

Khi các thị trường xuất khẩu chính của ngành thủy sản Việt Nam dần phục hồi nhờ việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19 là lúc các doanh nghiệp thủy sản trong nước cần tăng tốc. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất do tình hình dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khó tận dụng triệt để cơ hội này.
Covid19 bủa vây trong nước doanh nghiệp thủy sản khó tận dụng triệt để cơ hội từ thị trường quốc tế
Covid-19 bủa vây trong nước, doanh nghiệp thủy sản khó tận dụng triệt để cơ hội từ thị trường quốc tế

Hàng trăm nhà máy thủy sản phải dừng sản xuất vì dịch Covid-19

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số liệu thống kê cho thấy có 123 trong tổng số 449 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu tại 19 tỉnh, thành phố phía nam phải dừng sản xuất. Số lượng các cơ sở còn hoạt động chỉ chiếm 72%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thì chỉ có 30% các doanh nghiệp tại các tỉnh thành phía nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ có 30-50%.

Trên thực tế, với đặc thù ngành thủy sản, phương án “3 tại chỗ” khó thực hiện hơn so với các ngành khác vì không thể sắp xếp cho công nhân sinh hoạt tại các khu chế xuất hay khu đông lạnh để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo VASEP, công suất sản xuất trung bình của các doanh nghiệp thủy sản đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây và dự tính công suất chung của các tỉnh thành phía nam giảm chỉ còn 30-40%. 

Ngoài ra, việc sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản cũng gặp khó do thiếu nguyên vật liệu đầu vào và nguyên vật liệu phụ trợ.

Theo VASEP, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì.....phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, hoạt động tiêu thụ của các doanh nghiệp ngành này cũng có một số vấn đề cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Tại thị trường trong nước, trước những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn và các cơ sở dịch vụ ăn uống tại nhiều địa phương phải tạm đóng cửa, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản.

Tại thị trường quốc tế, chi phí vận chuyển quốc tế đã tăng vọt nhiều lần từ cuối năm 2020 đến nay. Phía VASEP cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hội viên của hiệp hội phản ánh rằng giá cước tàu đã tăng từ 2-10 lần (tùy chặng và hãng).

Theo báo cáo ngành thủy sản của Công ty Chứng khoán SSI, đối với ngành thủy sản, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đều thông qua đơn hàng CIF và chịu 100% chi phí vận chuyển, đồng thời phải chịu phí bảo hiểm cũng như các chi phí phát sinh.

Do đó, việc chi phí vận chuyển quốc tế tăng vọt trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản.

Một số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng trưởng tuy nhiên lợi nhuận có xu hướng giảm hoặc tăng trưởng thấp hơn mức tăng của doanh thu do chi phí bán hàng (bao gồm chi phí vận chuyển) tăng quá cao.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) ghi nhận doanh thu quý II tăng 22% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí bán hàng lại tăng gấp 2,4 lần, chủ yếu do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển, làm lợi nhuận ròng trong kỳ giảm đến 26% so với quý II/2020.

Hay như Tập đoàn Sao Mai (ASM) ghi nhận doanh thu thuần quý II tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận ròng lại giảm tới 37% do giá nguyên liệu cao đồng thời chi phí vận chuyển quốc tế tăng vọt.

Đối với doanh nghiệp thủy sản lớn như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), doanh thu và lợi nhuận trong quý II đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên trong khi doanh thu tăng tới 44% thì lợi nhuận chỉ tăng ở mức 25%. Xét về kết quả 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020, còn lợi nhuận chỉ tăng nhẹ ở mức 4%. Nguyên nhân một phần là do chi phí vận chuyển, lưu kho và nhiều chi phí khác đồng loạt tăng đột biến.

Khó tận dụng triệt để sự phục hồi của thị trường quốc tế

Khi các thị trường xuất khẩu chính của ngành thủy sản Việt Nam dần phục hồi nhờ việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19 là lúc các doanh nghiệp thủy sản trong nước cần tăng tốc.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản “thoát” thuế chống bán phá giá của Mỹ như Vĩnh Hoàn, Navico (được áp dụng mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg khi xuất khẩu mặt hàng cá tra vào thị trường này) sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luật cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cho giai đoạn rà soát từ ngày 1/8/2018 đến ngày 31/7/2019.

Minh Phú cũng cho biết Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ đã hủy bỏ quyết định đã ban hành trước đó vào ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ.

Cùng với đó, việc các hiệp định thương mại tự do được ký kết như RCEP, EVFTA và UKVFTA cũng sẽ tạo ra nhiều lợi thế đối với việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng đến thị trường châu Âu và thị trường châu Á.

Theo thống kế của Hải quan, tính đến cuối tháng 7, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 7,5%, đạt gần 854 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU tăng mạnh, sang các nước CPTPP và Hàn Quốc tăng nhẹ.

Với kết quả trên, theo VASEP, tính đến giữa tháng 7 thì tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối tháng 7 thì hình sản xuất nguyên liệu và chế biến thủy sản chững lại rõ rệt.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thì trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm 41% so với nửa cuối tháng 7 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 264 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành thủy sản đang được thể hiện rõ rệt ở tình hình xuất khẩu từ nửa cuối tháng 7 đến nay.

Xét từ góc độ doanh nghiệp, ban lãnh đạo của “vua tôm” Minh Phú trước đó cũng nhìn nhận về những khó khăn trong thời gian này của ngành thủy sản là vấn đề chi phí nguyên vật liệu tăng cao và tình trạng thiếu hụt container để xuất khẩu.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Minh Phú cho biết ở ĐHCĐ thường niên năm 2021 của công ty rằng Minh Phú trong giai đoạn này không chủ trương ký hợp đồng trước mà tháng nào sẽ ký tháng đó.

Navico từ cuối tháng 7 đã tiến hành tiêm vaccine cho công nhân viên và thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, tuy nhiên công ty này cho rằng cho rằng vẫn có áp lực sản xuất rất cao.

Về phía Vĩnh Hoàn, ban lãnh đạo công ty thông qua tâm thư đã gửi lời tới khách hàng, mong sự thông cảm và hợp tác nếu có sự chậm trễ của lô hàng trong thời gian tới. Công ty cho biết dự kiến thời gian trễ lên đến 3 tuần tùy thuộc vào số lượng đặt trước sẵn có.

Công ty Thực phẩm Sao Ta bắt đầu thực hiện phương án “3 tại chỗ” từ ngày 19/7. Đến giai đoạn đầu tháng 8, công ty cho biết số lượng lao động tại các xưởng chế biến của nhà máy trung tâm đã giảm từ 2.000 xuống còn 500 lao động.

Bên cạnh việc duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn đẩy mạnh đầu tư vào các đơn vị khác.

Đơn cử như Minh Phú trong 3 tháng đây đã thông qua loạt quyết định tăng vốn cho công ty con, với tổng số tiền được phê duyệt rót thêm lên đến hơn 1.100 tỷ đồng.

Hay như Công ty Cổ phần Camimex Group, một trong số những công ty xuất khẩu thủy sản lớn hiện nay với mặt hàng chủ lực là tôm, mới đây cũng đã thông qua chủ trương mua hơn 18 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Camimex Foods. Tổng giá trị giao dịch theo mệnh giá là hơn 180 tỷ đồng.

Về phía Vĩnh Hoàn, công ty này đang thực hiện đầu tư vào Shiok Meats, đơn vị đầu tiên trên thế giới sản xuất thịt tôm từ các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm.

Ngoài Vĩnh Hoàn, một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vào thương vụ này là Woowa Brothers (Hàn Quốc), CJ CheilJedang. Số tiền đầu tư cụ thể của Vĩnh Hoàn cũng như các nhà đầu tư không được tiết lộ, tuy nhiên tổng số tiền huy động mà Shiok Meat đã gọi vốn thành công lên tới 30 triệu USD.

Như vậy, trước việc chuỗi sản xuất đứng trước nguy cơ đứt gãy, các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam nhiều khả năng không thể tận dụng triệt để được lợi thế từ các hiệp định thương mại kinh tế cũng như cơ hội từ sự phục hồi của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc một số doanh nghiệp lớn trong ngành vẫn đẩy mạnh đầu tư cho thấy kỳ vọng tích cực vào ngành thủy sản trong dài hạn. 

Đưa Việt Nam thành trung tâm chế biến thủy sản top 5 thế giới

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lương thủy sản chế biến dự kiến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đặt mục tiêu đạt trung bình trên 40% (trong đó: tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%).

Mục tiêu của ngành thủy sản đến năm 2030 đạt trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên, đồng thời hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.

Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa mục tiêu đến năm 2030 đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng, góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 -16 tỷ USD.

(Theo vietnamfinance.vn)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục