Trong lĩnh vực thủy sản, ngành hàng cá tra vẫn tiếp tục đóng vai trò then chốt của tỉnh Đồng Tháp. Con cá tra từ lâu đã được xác định là ngành hàng chủ lực của tỉnh, diện tích nuôi cá thương phẩm đạt 2.630ha, với sản lượng 540.000 tấn. Không chỉ gia tăng về diện tích nuôi qua từng năm, tỉnh cũng rất chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị ngành hàng, xử lý bệnh gan thận mủ, bóng hơi, nhiễm khuẩn, và tận dụng phụ phẩm làm phân hữu cơ, góp phần giảm chi phí sản xuất. Đồng Tháp đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II để đưa vào giống cá tra hậu bị cải thiện di truyền, tăng khả năng kháng bệnh và năng suất, dần thay thế đàn bố mẹ cũ.
Đồng Tháp cũng đẩy mạnh chuyển đổi số với việc cập nhật thông tin nuôi trồng, sản xuất giống, quan trắc môi trường và phát triển sản phẩm trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện có 374 cơ sở nuôi trên 1.636 ha được cấp mã số nhận diện, trong đó 40,8% thuộc doanh nghiệp và 59,2% thuộc hộ cá thể. Các hộ nuôi nhỏ liên kết với doanh nghiệp chế biến và sản xuất thức ăn để ổn định nguồn cung, chiếm diện tích 805 ha.
Diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế là 242,4 ha (15%), cụ thể: VietGAP 403,27 ha; GlobalGAP 12,02 ha; ASC 123,48 ha; BAP 27,06 ha; các diện tích kết hợp ASC & GlobalGAP hoặc BAP là 103,25 ha.
Mục tiêu phấn đấu trong năm 2025, tỉnh có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP. Môi trường được giám sát chặt chẽ, có 60% diện tích vùng nuôi hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định; 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra, tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dựa trên việc áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý và điều hành sản xuất “giảm giá thành – nâng chất lượng – theo thị trường - thích ứng với biến đổi khí hậu – tăng hiệu quả”. Đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ mới như sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược, vaccin, cho ăn tự động, quan trắc tự động, cập nhật dữ liệu ngành hàng trên nền tảng số v.v. vào các khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch, vận chuyển để nâng cao tỷ lệ sống, chất lượng an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.
(t/h)