EU: Nguồn cung cá thịt trắng năm 2025 dự kiến giảm

(vasep.com.vn) Nguồn cung cá thịt trắng tự nhiên đang giảm trên các thị trường EU, đặc biệt là cá tuyết Đại Tây Dương, dự kiến sẽ tiếp tục đẩy giá tăng cao và làm giảm tiêu dùng vào năm tới, buộc các nhà chế biến phải tìm giải pháp.

Chú thích ảnh

Việc Anh rời khỏi EU đã khiến xu hướng tiêu dùng của châu Âu thay đổi mạnh mẽ kể từ năm 2020. Tiêu thụ cá trắng ở châu Âu đã dần giảm kể từ đó, với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi việc cắt giảm 25% hạn ngạch cá tuyết Biển Barents vào năm tới, đây là nguồn khai thác chính của cá tuyết Đại Tây Dương từ cả Na Uy và Nga.

Kể từ sau Brexit, ngành cá trắng EU ngày càng phụ thuộc vào thị trường toàn cầu để cung cấp nguyên liệu thô, trong khi vẫn duy trì khả năng chế biến mạnh mẽ trong khu vực.

Tương tự, mặc dù tiêu thụ cá toàn cầu đã tăng trong vài thập kỷ qua, các thị trường phát triển như EU, Mỹ và Nhật Bản đang chứng kiến sự suy giảm dài hạn, khi họ tiếp tục cạnh tranh với các khu vực đang phát triển như châu Á để giành lấy nguồn sản phẩm ngày càng hạn chế.

Sản lượng đánh bắt giảm, nhập khẩu tăng

Khối lượng nhập khẩu các loài cá thịt trắng chính vào EU đã tăng 4% từ năm 2020 đến 2023, với mức tăng đáng kể 27% về giá trị. Đặc biệt, giá trị nhập khẩu cá minh thái Alaska và cá hake đã tăng lần lượt 16% và 20%.

Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu ngày càng tăng mà còn nhấn mạnh sự phụ thuộc lớn hơn vào các nguồn cung quốc tế. Việc các quốc gia phương Tây có thể áp đặt thêm các hạn chế đối với sản phẩm của Nga sẽ gây ra những "thay đổi lớn hơn" trên các thị trường EU.

Các xu hướng gần đây trong thị trường cá thịt trắng EU cho thấy sự sụt giảm đáng kể về sản lượng đánh bắt cá thịt trắng trong khối, giảm 35% từ năm 2018 đến 2022.

Để đối phó với sự sụt giảm sản lượng đánh bắt, giá đã tăng trên toàn chuỗi cung ứng, từ bán buôn đến bán lẻ. Nguồn cá tuyết Đại Tây Dương đang chịu áp lực lớn, trong khi cá minh thái Alaska và cá hake duy trì xu hướng ổn định hơn nhờ quản lý nguồn cá hiệu quả ở châu Phi.

Bàn về xu hướng tiêu dùng thay đổi, người tiêu dùng EU vẫn chú trọng đến nguồn gốc bền vững, nhưng giá cả đã trở thành yếu tố quan trọng hơn do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Người tiêu dùng đang chuyển sang các lựa chọn thủy sản hoặc nuôi trồng thủy sản rẻ hơn hoặc thay thế bằng các nguồn protein khác.

Mặt khác, sự suy giảm liên tục trong sản lượng đánh bắt tự nhiên và giá cả tăng cao đã mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm cá thịt trắng nuôi trồng, như cá vược, cá tráp, cá rô phi, cá tuyết, cá chẽm và cá tra.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục