Một hướng phát triển mới của ngành thủy sản ở Ấn Độ

Việc sử dụng một số thành phần thức ăn chăn nuôi thủy sản có nguồn gốc từ côn trùng cùng những khả năng đa dạng hóa sang chăn nuôi côn trùng được dự đoán có thể mang lại những cơ hội quý giá cho các hộ nuôi quy mô nhỏ tại Ấn Độ

 

Nuôi cá ở Ấn Độ

Ấn Độ có nhiều loại hình nuôi trồng thủy sản nhờ vào bờ biển rộng lớn, nhiều sông, hồ và ao chứa. Trong đó, tôm thẻ chân trắng, cá ba sa, cá rô phi và các loài cá chép Ấn Độ như cá chép catla (cá chép Nam Á), cá rohu (cá trôi Ấn Độ) và cá mrigal (cá trôi trắng) là một số loài đang được nuôi phổ biến nhất.

Tuy nhiên, ngành thuỷ sản nơi đây đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước cùng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Do đó, một trong những vấn đề trọng tâm của ngành thủy sản ở Ấn Độ hiện nay là đảm bảo nguồn cung cấp ổn định về nguyên liệu thức ăn chất lượng cao và giải quyết bài toán nhu cầu thị trường cũng như những biến động giá cả. 

Côn trùng dần trở thành nguyên liệu thay thế

Trong những năm gần đây, côn trùng đang dần trở thành một nguồn nguyên liệu thay thế bền vững đầy tiềm năng trên thế giới, bởi loại thức ăn này chủ yếu chứa bột protetin côn trùng hoặc bột côn trùng và dầu côn trùng. Nhiều báo cáo đã chứng minh tính hiệu quả của protein từ côn trùng ở khả năng tăng trưởng của tôm. Ruồi lính đen, ấu trùng tằm, sâu lười, dế, gián sau khi tách dầu có thể thay thế một phần hoặc hoàn toàn các nguyên liệu biển; đồng thời, giữ nguyên hương vị và lợi ích cho hệ miễn dịch. 

Ruồi lính đen

Trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp mới đã bắt đầu chế biến, sản xuất côn trùng thành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chính nhờ sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản và nhu cầu về thức ăn ngày càng cao cũng như do nguồn cung cấp truyền thống như bột cá, dầu cá, bột tôm và dầu tôm biến động đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp sản xuất loại thức ăn chăn nuôi này.  

Bên cạnh đó, côn trùng không chỉ là thức ăn dành riêng cho thủy sản mà còn là nguồn thức ăn tự nhiên cho cá và chim. Với chất lượng ngày được nâng cao như: Khả năng tiêu hóa tốt hơn, hàm lượng protein cao, chất lượng các axit amin xuất sắc và các peptide tự nhiên cung cấp khả năng miễn dịch. Không dừng tại đó, bột côn trùng còn có thể làm tăng chất lượng tổng thể của thức ăn hỗn hợp khi bổ sung với một tỷ lệ phù hợp. Dầu côn trùng, tùy thuộc vào loài mà nó được chiết xuất, có thể chứa từ 20% đến 60% axit béo không bão hòa (PUFAs), đây là những chất rất có giá trị cho các loài thủy sản nuôi trồng. 

Do đó, xu hướng của nhiều cơ sở chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi từ côn trùng là nâng cao chất lượng chế biến và sản xuất bột cá, bột nhuyễn thể cùng với một số thành phần khác có nguồn gốc từ biển - đây là điều cần thiết trong ngành công nghiệp thức ăn cho tôm. Khi được hỏi về các thách thức liên quan đến các thành phần biển này, một nhà sản xuất bột cá ở Mangalore đã trả lời rằng đây là một ngành kinh doanh rất tốt, nhưng trong những năm gần đây, khối lượng cá bắt từ Biển Ả Rập đã bắt đầu giảm. Chính phủ không cấp bất kỳ giấy phép mới nào cho việc đánh bắt hoặc nuôi trồng cá biển nhiều hơn. 

Cá

Loopworm - một công ty tập trung vào sản xuất protein và chất béo bền vững thay thế cho thức ăn tôm, thức ăn gia cầm và thức ăn cho thú cưng vào hơn ba năm trước đã chia sẻ những khó khăn cũng như chiến lược sắp tới của mình.  

Trong giai đoạn đầu, Loopworm chủ yếu dựa vào các khoản tài trợ của chính phủ và huy động được 120.000 đô la Mỹ từ năm nguồn trước khi nhận được khoản đầu tư trị giá 3,4 triệu đô la Mỹ vào tháng 9 năm 2022. Trước khi nhận được khoản đầu tư này, họ đã phát triển một mô hình thí điểm có khả năng chế biến 50kg côn trùng sống mỗi ngày. Thêm vào đó, họ cũng thiết lập một quy trình toàn diện để làm sạch, gây chết và chiết xuất chất béo từ côn trùng. 

Hiện tại, họ tập trung tiến hành nghiên cứu về di truyền, chăn nuôi và chiết xuất giá trị của côn trùng ngoài việc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, họ cũng đã bắt đầu tập trung nâng cao, đa dạng hóa quy trình sản xuất để chiết xuất từ ấu trùng tằm chứ không chỉ là ruồi lính đen. 

Nhờ đó, kết quả là họ đã trang bị đầy đủ để cung cấp 100 tấn protein côn trùng (ít nhất 60% protein thô) và chất béo côn trùng mỗi tháng. Mục tiêu của Loopworm là tăng gấp đôi sản lượng này vào cuối năm nay. Ngoài ra, họ cũng có kế hoạch mở rộng thị trường bằng cách xuất khẩu sang các khu vực như: Hoa Kỳ, Châu Âu và Đông Nam Á. 

Ấu trùng ruồi lính đen

Nhận thấy rằng nông dân chủ yếu tập trung vào việc tăng năng suất và sử dụng hiệu quả về chi phí, họ đã hợp tác với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là những người ưu tiên các thông số vượt ra ngoài tỷ lệ chuyển đổi thức ăn truyền thống (FCR) và tỷ lệ tăng trưởng cụ thể (SGR). Song song đó, các nhà sản xuất này cũng xem xét một số yếu tố khác như khả năng miễn dịch, khẩu vị, khả năng tiêu hóa và chất lượng thịt.  

Có thể nói, đối với những hộ nuôi với quy mô nhỏ, lẻ thì việc triển khai thức ăn chăn nuôi tôm chứa côn trùng sẽ mang lại những lợi ích to lớn. Tuy nhiên, vì chăn nuôi côn trùng vẫn là một lĩnh vực mới ở Ấn Độ, những người áp dụng sớm nên tập trung vào việc chăn nuôi ban đầu vì nhân giống đòi hỏi chuyên môn cao hơn. Thay vào đó, họ có thể lựa chọn giữa hệ thống hố hoặc hệ thống khay xếp chồng dọc và thu gom chất thải thực phẩm từ các chợ trái cây và rau quả hoặc nhà hàng hàng ngày. 

Mặc dù hiện tại Loopworm tập trung hợp tác với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng họ cũng có kế hoạch thu mua côn trùng nuôi từ các hộ nuôi quy mô nhỏ trong tương lai để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguyên liệu tại địa phương. Sự mở rộng này sẽ cho phép những hộ nuôi cân nhắc thành lập các đơn vị quy mô lớn hơn, qua đó biến chăn nuôi côn trùng thành một hoạt động kinh doanh riêng biệt. 

Điều đáng chú ý là trong khi thức ăn chăn nuôi thủy sản chứa côn trùng cho thấy tiềm năng lớn thì vẫn còn đó những thách thức cần phải vượt qua. Chẳng hạn, mở rộng quy mô hoạt động chăn nuôi, đảm bảo kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản xuất thức ăn. Tuy nhiên, đây sẽ là một hướng phát triển tiềm năng thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả và tăng trưởng của ngành thủy sản. 

Theo Tép bạc

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục