Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 16/5/2023 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,72% so với cuối năm 2022.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt dư nợ trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng với thủy sản đạt trên 211.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,09%; dư nợ đối với lĩnh vực lâm sản đạt trên 189.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2022…
Hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản: Các ngân hàng vào cuộc tích cực
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, là ngân hàng phục vụ tam nông nên dư nợ cho vay lĩnh vực này luôn chiếm 65-70%/tổng dư nợ của Ngân hàng. Tính đến ngày 15/5, dư nợ tín dụng cho vay thủy sản đạt 59.000 tỷ đồng; đối với lĩnh vực lâm nghiệp, dư nợ cho vay đạt 55.000 tỷ đồng.
Đối với cho vay thủy sản, bà Bình cho biết, trước khó khăn chung, ngân hàng chủ động triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Song, bản thân ngân hàng rất mong muốn đẩy mạnh cho vay thủy sản nhưng dưới hình thức cho vay chuỗi. Bởi trong thời gian qua, ngân hàng này kẹt lượng vốn tương đối lớn khi 70% dư nợ cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản là nợ xấu.
Còn theo đại diện BIDV, dư nợ cho vay lâm sản và thủy sản tại ngân hàng này đạt khoảng 88.000 tỷ đồng, với khoảng 381 khách hàng có dự nợ là các tổ chức. Mặc dù nợ xấu trung bình của hai lĩnh vực này cao hơn trung bình nhưng trước những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, BIDV vẫn thực hiện cấp hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp trong ngành và áp dụng những chính sách hỗ trợ như những năm trước. Đồng thời, ngân hàng cũng chủ động triển khai hoãn, giãn nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, BIDV tiếp tục xem xét giảm lãi suất thêm 0,5% đối với USD và khoảng 1% đối với VND. Đồng thời, xem xét cụ thể các khó khăn của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng chia sẻ, đến hết quý I/2023, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank là 408 nghìn tỷ đồng, chiếm 3-5% trong dư nợ tín dụng; dư nợ của các ngành thủy sản, lâm nghiệp, khai thác muối… tại thời điểm cuối năm 2022 là 163 nghìn tỷ đồng, hiện nay là 155 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục thúc đẩy, chỉ đạo trong việc mở rộng ngành hàng, trong đó có ngành hàng thủy sản, gỗ lâm sản… Tuy nhiên, khó khăn đầu ra ách tắc, giá nguyên liệu đầu vào tăng, cước vận tải biển tăng 30% so với đầu năm.
"Ngân hàng thương mại không thể cấp bù được. Chúng tôi không thay đổi khẩu vị nhưng theo sát, đánh giá nhu cầu của thị trường. Tuy tín dụng có giảm nhưng chúng tôi cố gắng duy trì dư nợ không giảm theo cấp độ giảm chung của ngành", ông Cường chia sẻ và đề xuất, các doanh nghiệp cần tìm cách đa dạng hóa thị trường để chống đỡ, không tập trung vào một thị trường. Cũng như ngân hàng, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cần tăng khả năng dự báo...
Lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản cần ưu đãi và cơ chế, chính sách
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các chính sách được ngành Ngân hàng đưa ra thời gian qua góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp vơi bớt khó khăn.
Tuy nhiên, kể từ quý IV/2022 đến nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn, hàng tồn kho lớn do không xuất khẩu được đơn hàng vì sự suy giảm cầu từ các thị trường quốc tế. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, doanh số toàn ngành giảm khoảng 30% (riêng thị trường Mỹ giảm 51%; thị trường châu Âu, Trung Quốc giảm khoảng 30%...).
"Trước những khó khăn hiện nay, VASEP đã đề nghị Chính phủ và NHNN có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn. Mục tiêu của gói này là duy trì sinh kế cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra giá trị sản phẩm cho đất nước, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên cần sự ưu đãi và cơ chế, chính sách. Do đó, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM Nhà nước hay NHTM cổ phần đều phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, cần có những chính sách khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp hai lĩnh vực này để giữ vững được thị trường, thị phần, không để cho doanh nghiệp không đủ vốn sản xuất và bị phá sản.
Đối với đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho hai lĩnh vực này, Phó Thống đốc cho rằng nếu so với dư nợ tín dụng hiện nay thì quy mô gói tín dụng là quá nhỏ. Hơn nữa, với 10.000 tỷ đồng thì không giải quyết hết được những khó khăn hiện nay. Do đó, Phó Thống đốc đề nghị không nên giới hạn gói tín dụng này mà cần đặt ra cơ chế tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp duy trì và phát triển.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các NHTM cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho doanh nghiệp, không nên cắt giảm. Nếu trường hợp thiếu hạn mức tín dụng đối với hai lĩnh vực này, ngân hàng thương mại báo lại NHNN để có điều chỉnh.
Về giảm lãi suất và phí, Phó Thống đốc cho biết NHNN đã giảm lãi suất điều hành, thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các NHTM chia sẻ lợi nhuận để hạ lãi suất. Đối với các khoản phí, các NHTM nếu giảm được khoản nào thì giảm hẳn, nếu không thì giảm một nửa so với mức phí hiện đang áp dụng.
Phó Thống đốc cũng cho rằng việc hỗ trợ cho 2 lĩnh vực này không chỉ ở phía ngành Ngân hàng, bởi ngành Ngân hàng chỉ liên quan đến vấn đề nguồn lực vốn, mà còn rất nhiều vấn đề cấp thiết khác như: phải có thị trường tiêu thụ, phải có thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước… những việc này thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành khác. Các doanh nghiệp phải tham gia chuỗi giá trị, tạo sự ra hỗ trợ lẫn nhau. Vấn đề ứng dụng công nghệ cũng rất quan trọng đối với hai lĩnh vực này, hay vấn đề tăng thêm khả năng dự trữ và tạm trữ vì nó là sản phẩm mùa vụ…
Theo Dân Việt