Thủy sản xanh là xu hướng không thể đảo ngược

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến về định hướng phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2024 và chặng đường tiếp theo.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: 'Rất mong thời gian tới, chúng ta sẽ kề vai sát cánh, xây dựng khối đoàn kết nhất trí để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của thủy sản Việt Nam với kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế'. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: "Rất mong thời gian tới, chúng ta sẽ kề vai sát cánh, xây dựng khối đoàn kết nhất trí để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của thủy sản Việt Nam với kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế". Ảnh: Tùng Đinh.

Nuôi trồng tăng trưởng, khai thác đi đúng hướng

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2023, ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT; các văn bản về định hướng chiến lược phát triển ngành thủy sản được Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời, đầy đủ...

Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung Đông... khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm; giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam…

Tuy nhiên, theo ông Cẩn, vượt qua khó khăn, toàn ngành vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt gần 9,3 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng khai thác đạt hơn 3,86 triệu tấn, tương đương với năm 2022; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 5,4 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 9,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,45 tỷ USD, cá tra khoảng 1,9 tỷ USD, nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD và cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2023 chưa như kỳ vọng, nhưng trước bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đây vẫn là một kết quả tích cực, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Biểu đồ: Hồng Thắm.

Còn theo ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, năm 2023, đội tàu khai thác giảm, quy mô và sản lượng giảm, ngành khai thác thủy sản đang đi đúng hướng theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp thông lệ thế giới.

“Chúng ta vẫn giữ được vị thế của ngành thủy sản trên thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), năm 2023, quy mô khai thác của Việt Nam vẫn đứng thứ 7 toàn cầu và thứ 4 châu Á”, ông Hải thông tin.

Theo Cục Thủy sản, năm 2023, số lượng tàu cá của nước ta chỉ còn 83.430 chiếc, giảm 6.292 chiếc so với năm 2022. Trong đó, số tàu 6-12m là 37.770 chiếc (giảm 5.230 chiếc); tàu 12-15m là 16.000 chiếc (giảm 480 chiếc); tàu 15-24m là 26.500 chiếc (giảm 470 chiếc); tàu trên 24m là 2.510 chiếc (giảm 112 chiếc).

Cần chủ động trước các rào cản thế hệ mới

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nói, ngành thủy sản năm 2023 đã làm tốt nhất có thể trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản vẫn phải quan tâm bởi chưa có sự cải thiện tích cực.

Số lô hàng thủy sản bị cảnh báo năm 2023 chỉ có 63 lô, giảm mạnh so với 136 lô năm 2022, tuy nhiên, số lô cảnh báo chủ yếu liên quan đến kháng sinh, 31/63 lô vi phạm các chỉ tiêu này. EU và Nhật Bản là hai thị trường cảnh báo mạnh nhất.

“Mặc dù đã có Chương trình “One Health - Một sức khỏe” kết nối giữa con người và động vật, sử dụng một cách hợp lý kháng sinh nhằm phòng chống kháng kháng sinh nhưng tình trạng này vẫn rất phổ biến ở các địa phương. Cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa vấn đề này trong năm 2024”, ông Bá Anh nói.

Ngành thủy sản năm 2024 và thời gian tới cần phải quan tâm nhiều hơn đến các loại rào cản thế hệ mới. Ảnh: Hồng Thắm.

Ngành thủy sản năm 2024 và thời gian tới cần phải quan tâm nhiều hơn đến các loại rào cản thế hệ mới. Ảnh: Hồng Thắm.

Ngoài ra, ông Bá Anh cho rằng, ngành thủy sản năm 2024 và thời gian tới cần phải quan tâm nhiều hơn đến các loại rào cản thế hệ mới như: Giảm phát thải, công bằng thương mại, phúc lợi động vật, bảo vệ môi trường… Theo đó, cần phải chuẩn bị tâm thế ngay từ bây giờ, phải xây dựng hệ thống pháp luật tương thích, nội hóa để quản lý các nội dung này.

Đồng quan điểm, bà Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản Bộ NN-PTNT) nhận định, hiện nay xu hướng trên thế giới quan tâm nhiều đến sản xuất xanh, chuyển đổi xanh, theo đó việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thủy sản cần phải được quan tâm hơn. Cần chỉ đạo sản xuất điều hành khuyến cáo sản xuất xanh theo các yêu cầu của thị trường.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước - doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm phản ánh, xuất khẩu tôm năm 2023 sụt giảm là do giá xuất khẩu giảm, một là do nhu cầu thấp trong khi đó nguồn cung từ các quốc gia sản xuất tôm khác như Ecuador, Ấn Độ… lại tăng cao. Hai là giá cước vận tải cao.

“Năm 2024 rất khó để dự báo trước tình hình, nhưng xuất khẩu tôm nước ta vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tình hình kinh tế của một số nước nhập khẩu sẽ đi xuống do ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga - Ukraine; giao tranh giữa Israel - Hamas… đời sống của người dân càng khó khăn, sức mua chưa thể cải thiện được”, ông Lĩnh nhận định.

Phải tự đổi mới mình

“Hiến kế” để đưa ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng bền vững trong năm 2024 và chặng đường sắp tới, ông Trung kiến nghị, với khai thác thủy sản, cần phải số hóa dữ liệu, phải đưa công nghệ, phần mềm vào vì đây là cơ sở quan trọng trong việc quản lý và điều hành. Đồng thời, hiện nay việc xử phạt chưa đến nơi đến chốn, chưa đồng bộ, bỏ sót nhiều hành vi vi phạm, việc quản lý chưa được đầy đủ, minh bạch. Cần có những biện pháp mạnh tay tăng cường xử lý vi phạm.

Ông Dương Long Trì, Phó Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam chia sẻ, những kết quả của ngành thủy sản năm 2023 rất đáng mừng, sản lượng thủy sản đều tăng, nhưng nếu cứ tăng mãi sản lượng thì rất khó. Cần quan tâm đến giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, từ đó nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I Đặng Thị Lụa, ngành thủy sản cần có định hướng và kế hoạch hài hòa, chú trọng các đối tượng chủ lực nhưng cũng cần quan tâm phát triển các đối tượng vùng miền. Có như vậy mới phát huy được hết lợi thế về thủy sản cũng như phát triển phong phú các sản phẩm thủy sản.

Ngành khai thác đang đi đúng hướng theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp thông lệ thế giới. Ảnh: Hồng Thắm.

Ngành khai thác đang đi đúng hướng theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp thông lệ thế giới. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nói, năm 2024 sẽ tăng cường những giải pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng vật tư đầu vào (con giống, thuốc, thức ăn…); tập trung phát triển các đối tượng thủy sản bản địa, đặc sản; nhận diện lại trong chuỗi sản xuất thủy sản phát thải đến từ chỗ nào để có kế hoạch triển khai, thay đổi công nghệ, giảm phát thải.

“Với nuôi thâm canh và siêu thâm canh như hiện nay, phát thải khá lớn. Tới đây, thị trường nhập khẩu sẽ đánh nhãn xanh, nhãn vàng, nhãn đỏ và thêm phúc lợi động vật thủy sản nữa. Bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm thì đây sẽ là những thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt. Công việc phía trước còn rất nhiều để chúng ta dành thế chủ động cho xuất khẩu thủy sản”, ông Luân khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, 2023 là một năm khó khăn đối với toàn ngành nông nghiệp và thủy sản càng khó khăn hơn. Nhưng phải khẳng định, ngành thủy sản đã có sự nỗ lực rất lớn và sự đổi mới, bám vào cuộc sống. Chưa khi nào ngành thủy sản lại có hệ thống văn bản pháp luật, chiến lược đầy đủ, chặt chẽ như hiện nay. Ngành thủy sản đã quyết liệt rồi, đã đổi mới rồi nhưng vẫn phải tự đổi mới mình.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, trong nuôi trồng thủy sản, cần rà soát lại con giống, giống tôm mới quản trị được hơn 50%, giống cá tra chưa đáp ứng được nhu cầu. Vẫn còn rất nhiều giống giả, không rõ nguồn gốc, dẫn đến năng suất, giá, sức cạnh tranh giảm. Đồng thời, phải quan tâm hơn đến thức ăn, dinh dưỡng. Cần rà soát và đề nghị doanh nghiệp tham gia, phối hợp cùng với chuỗi theo phương châm “rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa”.

Về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tập trung giải quyết 3 vấn đề cơ bản là quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc; xử phạt (nếu có).

“Hướng tới ngành thủy sản xanh là yêu cầu bắt buộc và không thể đảo ngược lại với xu thế của thế giới. Ít nhất chúng ta phải có khái niệm trong đầu ngay từ bây giờ, nếu chậm sẽ khó hội nhập sâu rộng. Tuyệt đối không được làm theo phong trào”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: “Ngành thủy sản chiếm 28,7% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Cần nâng cao chất lượng bởi đây là yếu tố quyết định "sức khỏe, chiều cao" và thành bại. Đây cũng là tiền đề để đưa nông sản Việt Nam nói chung, thủy sản nói riêng vươn xa. Bước chuyển mình của ngành thủy sản thời gian qua đã nhìn thấy rõ. Rất mong thời gian tới, chúng ta sẽ kề vai sát cánh, xây dựng khối đoàn kết nhất trí để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của thủy sản Việt Nam với kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế. Tất cả các dòng sông đều phải chảy thì mới thành công được”.

Theo báo Nongnghiep

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục