VASEP báo cáo VP Chính phủ các bất cập, khó khăn về cơ chế, chính sách, TTHC của DN thủy sản trong 3 quý đầu năm 2024

(vasep.com.vn) Phúc đáp công văn số 7421/VPCP-KSTT ngày 10/10/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai văn bản số 727/TTg-KSTT của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội VASEP, thành viên của Hội đồng tư vấn CCTTHC đã gửi báo cáo tình hình SXXK thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 và các vướng mắc, khó khăn hiện tại về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động SXXK của doanh nghiệp thủy sản.

Chú thích ảnh

1. Các vướng mắc về thuế của DN thủy sản liên quan đến thủ tục kê khai thu mua nguyên liệu thủy sản (Thẩm quyền: Bộ Tài chính).

Theo phản ảnh của DN thành viên VASEP, thời gian gần đây Cục Thuế của một số tỉnh (như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị,...) đã tổ chức thanh, kiểm tra thuế cho giai đoạn 2016-2017 tại một số DN chế biến thuỷ sản xuất khẩu trên trên địa bàn. Trong quá trình thanh, kiểm tra đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:

i) Vướng mắc, bất cập về việc tàu khai thác chưa có giấy phép khai thác

Hiện một số tàu thuyền đánh bắt hải sản mà các DN chế biến thủy sản kê khai chưa có giấy phép khai thác. Cục Thuế đã loại tất cả chi phí thu mua nguyên liệu từ những tàu thuyền này vì xem đó là chi phí không hợp lý, hợp lệ.

ii) Vướng mắc, bất cập trong việc xác minh thông tin thu mua nguyên liệu thủy sản từ các tàu cá, ngư dân, chính quyền địa phương:

Đối với việc xác nhận của chủ tàu cá: DN luôn ở thế bị động và phải tuỳ thuộc vào tâm trạng của chủ tàu ở thời điểm xác minh, thậm chí có thể chịu khoản truy thu thuế oan nếu chủ tàu không muốn rắc rối nên không chịu xác nhận.

Đối với việc xác nhận của chính quyền địa phương: Đa phần việc thu mua thủy sản của DN từ tàu đánh bắt nhưng cơ quan chính quyền nơi tàu có hộ khẩu thường trú không biết đến việc mua bán này, hoặc có trường hợp mua thủy sản của tàu nhưng chủ tàu không biết.

iii) Vướng mắc, bất cập về việc DN thu mua nguyên liệu từ nậu vựa: Một số nậu vựa chưa chưa đăng ký giấy phép kinh doanh nên không xuất được hóa đơn tài chính thì nậu vựa, tàu khai thác làm bảng kê mua bán theo mẫu 01/TNDN của Thông tư 96/2015/TT-BCT.

Ngày 11/10/2024, VASEP đã có văn bản số 103/CV-VASEP báo cáo, kiến nghị giải quyết bất cập về thuế cho DN thủy sản gửi tới Tổng cục Thuế (đồng kính gửi Bộ Tài chính và Hội đồng Tư vấn CCTTHC) về nội dung này, và chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi kết quả xem xét giải quyết của Bộ Tài chính. Hiệp hội kính đề nghị Tổ Công tác CCTTHC, Hội đồng và Tổng Cục thuế hỗ trợ, quan tâm xem xét:

- Tháo gỡ cho các DN thủy sản tại các tỉnh (như Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị,...) việc Cục Thuế địa phương thực hiện thanh, kiểm tra đồng thời các giấy tờ (giấy phép khai thác…) của tàu cá trong giai đoạn nhiều năm trước đây để quyết định chi phí nguyên liệu của DN là hợp lý hay không khi mà các văn bản QPPL của ngành thuế cũng như mẫu 01/TNDN không có các quy định hoặc dẫn chiếu cụ thể tới các giấy tờ này.

- Ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình thu mua nguyên liệu và các hồ sơ chứng từ cần thiết đối với các lô nguyên liệu mà DN thủy sản thu mua (DN mua nguyên liệu của ngư dân khai thác, mua từ cơ sở thu mua), để Cục thuế các địa phương triển khai đồng bộ & phù hợp.

- Ngành thuế cần tăng cường thanh, kiểm tra việc hoàn thuế VAT cho các DN xuất khẩu trong khoảng 3 năm vì nếu để đến 7-8 năm là quá dài với rất nhiều sự đổi thay về cơ chế chính sách của Nhà nước cũng như nhân sự của DN và công việc, đời sống của ngư dân.

2. Về chính sách thuế TNDN đối với hoạt động chế biến thủy sản (Thẩm quyền: Bộ Tài chính).

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, đưa nội dung xác nhận sản phẩm thủy sản là sản phẩm của “hoạt động chế biến” để hưởng ưu đãi thuế TNDN cho hoạt động chế biến vào văn bản dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi hoặc một văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để các cơ quan thuế thực hiện thống nhất theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính.

3. Bất cập trong thủ tục cấp giấy S/C và C/C trên hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) (Thẩm quyền: Bộ NNPTNT).

Trên hệ thống phần mềm eCDT, các địa phương phải triển khai đồng bộ từ trong cả chuỗi khai thác (từ ngư dân, cơ sở thu mua, doanh nghiệp) để đảm bảo phần nhập liệu đầy đủ và chính xác ngay từ khâu đầu ngư dân ra-vào cảng, vì việc nhập liệu không đầy đủ từ ngay khâu đầu (ngư dân) thì sau dù DN có nhập đủ và đúng thì cũng không được duyệt xác nhận NL (S/C) – sẽ gây khó khăn cho DN ở khâu cuối của chuỗi mua nguyên liệu.

VASEP kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét, hỗ trợ để khai thông được sản xuất-xuất khẩu bình thường hiện nay của ngư dân và doanh nghiệp:

1) Cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản và BQL cảng cá tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân việc nạp dữ liệu nguồn đầu vào chính xác để các khâu sau không bị vướng mắc. Cần thiết lập đường dây hỗ trợ kỹ thuật 24/7.

2) Cục Thủy sản có hướng dẫn về việc nhập liệu lên eCDT đối với tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không lắp đặt VMS và quy trình xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) đối với nguyên liệu khai thác từ các tàu khai thác này.

3) Xem xét chỉ đạo việc yêu cầu tất cả các khâu thẩm tra tàu IUU phải hoàn thành trước khi tàu vào cảng; và khi các thông tin trên eCDT đã đầy đủ và đúng thì BQL cảng cá cần xác nhận luôn S/C cho DN.

4.Bất cập trong việc xác nhận nguyên liệu Ruốc xuất khẩu vào EU (Thẩm quyền: Bộ NNPTNT).

Ruốc là loài thủy sản đặc thù được ngư dân khai thác gần bờ, không cần giấy phép khai thác và không phải lắp đặt thiết bị VMS (do là thuyền < 15m), không cập nhật được phần mềm eCDT dẫn đến không đủ điều kiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) và Giấy chứng nhận (C/C) theo quy định hiện hành.

VASEP kiến nghị: Sản lượng ruốc là khá lớn ở các tỉnh miền Trung. Khách hàng Châu Âu lại có nhu cầu lớn về mặt hàng này. Đề gia tăng giá trị & sinh kế cho ngư dân, cũng như để việc xuất khẩu sang EU không bị ách tắc, Hiệp hội trân trọng kiến nghị và đề xuất với Bộ NNPTNT xem xét trường hợp nguyên liệu Ruốc là trường hợp đặc thù để có văn bản hướng dẫn cụ thể cho phép xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) đối với nguyên liệu ruốc cho sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường EU.

5.Quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i- ốt” tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Thẩm quyền xem xét: Bộ Y tế).

Hiệp hội VASEP ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong các quyết sách để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhân dân, trong đó có quyết sách về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Tuy nhiên, trên cơ sở các quan ngại đã được nêu ra, Hiệp hội trân trọng đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét điều chỉnh, bổ sung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi:

1) Loại trừ hàng thủy sản và thực phẩm xuất khẩu khỏi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016 (sửa đổi khoản 2 Điều 2 của NĐ 09/2016 thành “thực phẩm xuất khẩu” thay vì “cơ sở thực phẩm xuất khẩu”).

Khuyến khích sử dụng muối có bổ sung i-ốt trong chế biến thực phẩm dùng cho tiêu dùng nội địa.

Ngoài vấn đề thực tiễn như đã nêu tại 5 quan ngại đã nêu, thì tiếp cận này có thể tham khảo quy định hiện hành của Canada: bắt buộc bổ sung i-ốt cho muối ăn dùng cho hộ gia đình, không bắt buộc bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm (https://inspection.canada.ca/en/food-labels/labelling/industry/salt)

2) Bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình và dịch vụ ăn uống trực tiếp (đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030) và các gia vị mặn dạng rắn.

3) Cho phép các cơ sở sản xuất-nhập khẩu muối được cung cấp muối không bổ sung i- ốt để sử dụng theo nhu cầu của những người thừa i-ốt, của DN sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu. Yêu cầu ghi nhãn rõ ràng về muối i-ốt và lợi ích phòng chống bướu cổ để phân biệt với muối tinh khiết.

4) Trong suốt 7 năm qua, cả trên các văn bản hay các hội nghị liên quan, VASEP và các Hội/Hiệp hội liên quan ngành hàng thực phẩm luôn thể hiện rõ quan điểm và tinh thần ủng hộ tuyệt đối quyết sách bổ sung vi chất dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe người dân, trong đó có biện pháp bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối, gia vị dạng rắn dùng trong các hộ gia đình, chỉ có một điểm duy nhất quan ngại & kiến nghị là quy định dùng muối i-ốt dùng trong chế biến thực phẩm. Không có bất cứ ý kiến nào là “phản đối việc tăng cường vi chất” hay “không vì sức khỏe nhân dân”. Tinh thần xây dựng và quan điểm nhất quán này thể hiện rõ trong các phát biểu, tham luận của đại diện các Hiệp hội tại Hội nghị do Bộ Y tế chủ trì sáng 30/10/2024 về Nghị định 09/2016.

Đề nghị: Biên bản (Báo cáo) của Bộ Y tế về kết quả Hội nghị họp về Nghị định 09/2016 sáng 30/10/2024 do Bộ Y tế chủ trì cần có cả nội dung thể hiện rõ tinh thần- quan điểm, kiến nghị kể trên của các Hiệp hội.

6. Bất cập về quản lý và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam theo quy định tại QĐ 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng CP

Để đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho công tác tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, tận dụng được nguồn kinh phí hỗ trợ, kinh nghiệm tốt của chuyên gia quốc tế nhằm giúp nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực cho các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan, đề nghị Chính phủ xem xét cho phép các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng:

- Không phải làm thủ tục xin phép tổ chức sự kiện mà hàng năm lập kế hoạch tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế.

- Trước khi tổ chức sự kiện 2 tuần sẽ gửi văn bản tới Bộ, ngành đầu mối để báo cáo cũng như có báo cáo sau khi tổ chức sự kiện thành công. Trường hợp nếu có vấn đề cần xem xét, Bộ ngành sẽ có văn bản thông báo dừng/hoãn sự kiện trước ngày khai mạc sự kiện ít nhất 5 ngày để các Hiệp hội kịp thực hiện thủ tục hoãn/hủy sự kiện với các bên liên quan.

Hiệp hội VASEP xin báo cáo Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC quan tâm và xem xét.

Công văn 121/CV-VASEP ngày 31/10/2024

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM