Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Tại Văn bản số 727/TTg-KSTT ngày 1/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh

Cụ thể, để tiếp tục thúc đẩy cải cách quy định thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/1/2023 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Cải cách quy định thủ tục hành chính

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với quy định thủ tục hành chính, thực hiện tốt việc tham vấn (tăng cường tham vấn trên môi trường điện tử) thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các thủ tục hành chính được quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, khả thi, thực hiện trên môi trường điện tử và chi phí tuân thủ thấp nhất.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả, trong đó tập trung thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư…; phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp và triển khai mở rộng cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNelD trên toàn quốc. Đồng thời, tổ chức thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khẩn trương công bố đầy đủ thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước… rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 và Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 24/0/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ đã được phê duyệt.

Giao Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa bảo đảm tính khoa học, khả thi.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 - 2030.

Cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính

Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định. 100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và phải liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.

Tập trung triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát, đánh giá, tái cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm.

Tổ chức triển khai hiệu quả 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Thúc đẩy triển khai Đề án 06, nhất là việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình triển khai và nâng cấp các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiếp tục đơn giản hoá giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến… Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc tổ chức triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…

Về việc quy định các định mức cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thành hướng dẫn quy định nội dung chi, mức chi từ ngân sách nhà nước.

Văn phòng Chính phủ nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc việc triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ.

Các thành viên Tổ công tác phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc, làm việc với các bộ, ngành, địa phương được phân công phụ trách để thúc đẩy việc triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính và chủ động khai thác, sử dụng Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác chỉ đạo, đôn đốc.

Các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, sắp xếp thứ tự ưu tiên cần giải quyết và đề xuất giải pháp (nếu có) để báo cáo Tổ công tác kịp thời tháo gỡ, đồng thời, nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách quy định, thủ tục hành chính.

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM