Giống cá tra sạch bệnh, chất lượng cao để tạo cơ sở nuôi thương phẩm an toàn, giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu thị trường, thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Thế nhưng, thực trạng sản xuất cá tra giống hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải.
Nhiều hạn chế
Cục Thủy sản cho biết, cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm; 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống).
Với 2 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ đã được Cục Thủy sản cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và một năm sản xuất trên 30.000 con cá bố mẹ, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống. Với 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm, mới 61 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện, tỷ lệ gần 80,3%. Với 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống, mới 97 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện, gần 5,3%.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn thấp và rất thấp. Nhưng việc duy trì trong thực tế còn thấp hơn nữa. Đến hết tháng 9/2024, các địa phương kiểm tra duy trì cho 38/61 cơ sở sản xuất giống thương phẩm (62,3% số được cấp) và 81/97 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (83,5% số được cấp). Nếu so với tổng số cơ sở thì số được cấp Giấy chứng nhận và đang duy trì sản xuất giống thương phẩm chỉ đạt 50% (38/76), ương dưỡng cá tra giống chỉ đạt gần 4,4% (81/1.842).
Kiến nghị của địa phương và doanh nghiệp
Sở NN&PTNT tỉnh An Giang kiến nghị: “Tăng cường kiểm tra, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản”.
Trong khi đó, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp nêu thêm một số khó khăn do cơ sở không đạt về tiêu chí cơ sở hạ tầng, đồng thời kiến nghị: “Bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn để hỗ trợ tỉnh xây dựng hoàn chỉnh Dự án Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp đối với hạng mục cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung”.
Về phía doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc cho rằng, công nghệ cao bền vững là chìa khóa cho sự thành công ở các giai đoạn sản xuất. Tại An Giang, từ năm 2017 Công ty đã chọn lọc di truyền cá tra bố mẹ đến nay thế hệ G3 tăng trưởng nhanh hơn 30% so với thế hệ ban đầu và chất lượng tốt. Tuy nhiên, quy trình sinh sản cá tra lại phụ thuộc vào nguồn hormone từ Trung Quốc nên đề nghị “đa dạng hóa nguồn cung hoặc tổ chức nghiên cứu sản xuất loại hóc môn tương tự trong nước”.
Tập trung quản lý, đầu tư nâng cao chất lượng
Cục Thủy sản đã thống nhất với các địa phương việc tập trung thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất cá tra giống tại Đồng Tháp, An Giang.
Đồng thời, hoàn thiện quy trình công nghệ thay thế nguồn kích dục tố HCG trong sản xuất giống cá tra để được công bố, lưu hành, áp dụng sớm vào thực tiễn sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chọn giống cá tra chất lượng cao phục vụ sản xuất giống cho nuôi thương phẩm trong việc mở rộng đầu tư. Phấn đấu nâng tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống đạt 15-20% trong thời gian tới.
(t/h)