Giá thức ăn – yếu tố chiếm đến 65% chi phí nuôi cá tra – đang leo thang do tác động dây chuyền từ các chính sách thuế quan toàn cầu. Khi Trung Quốc tăng nhập khẩu đậu nành từ Brazil và Argentina, giá nguyên liệu này đã tăng mạnh trên sàn CBOT, gây áp lực lên chuỗi cung ứng thức ăn thủy sản Việt Nam – quốc gia xuất khẩu cá tra hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, bột đậu nành và bột cá nhập khẩu – hai thành phần chủ lực trong thức ăn cá tra – đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí vận chuyển tăng 25-30% do xung đột địa chính trị và tắc nghẽn logistics quốc tế. Chi phí nhập khẩu vì vậy đã tăng từ 8 - 12% chỉ trong nửa năm.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vì thế phải gồng gánh chi phí, giảm công suất hoặc tạm dừng mở rộng vùng nuôi.
Để ổn định chuỗi cung ứng, Việt Nam cần xem thức ăn thủy sản là một loại “hàng hóa chiến lược” thay vì chỉ là đầu vào sản xuất. Cần thành lập kho dự trữ nguyên liệu quy mô quốc gia, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu nội địa tại Tây Nguyên và ĐBSCL, với chính sách ưu đãi tín dụng và miễn thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị này.
Ngoài ra, việc tham gia các khuôn khổ kinh tế như IPEF, CPTPP hay RCEP cần được tận dụng như đòn bẩy trong đàm phán thương mại. Các ưu đãi về thuế nguyên liệu và chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn nên gắn với điều kiện mở rộng thị phần cho thủy sản Việt Nam tại các thị trường lớn.