TỔNG QUAN NGÀNH HÀNG CÁ TRA

Là loài cá thịt trắng nuôi đặc sắc của Việt Nam, cá tra ngày càng được người tiêu dùng trên thị trường thế giới yêu thích vì sự tiện lợi, cấu trúc và hương vị trung tính, dễ chế biến và giá cả phù hợp với mọi phân khúc tiêu thụ. Tới năm 2022 cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe về ATTP và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.

Năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700 ha, bằng 98% so với năm 2022; sản lượng đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022 (1,7 triệu tấn) cho thấy năng suất nuôi cá tra ngày càng được cải thiện.

Sự phổ biến của cá tra và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa cá tra đi khắp Năm châu, đã giúp cho ngành này mang về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm. Với kim ngạch XK từ 1,5 – 2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16-26% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam.

Các thị trường và nhóm thị trường chủ lực NK cá tra Việt Nam gồm: Trung Quốc và Hongkong, Mỹ, CPTPP, EU, ASEAN, Trung Đông, Mexico, Brazil, Anh và Nga.
Số doanh nghiệp Việt Nam XK cá tra tăng liên tục trong những năm gần đây. Năm 2020 có 320 DN XK cá tra, năm 2021 tăng lên 380, năm 2022 là 435 và năm 2023 số DN đạt 434.

Cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng XK cá tra trong những năm qua. Tới năm 2020, sản phẩm này chiếm 89 – 90% tổng giá trị XK cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 4 năm gần đây, tỷ trọng của cá tra phile đông lạnh giảm còn 81% – 86%

TS. Hồ Quốc Lực

Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thực phẩm Sao Ta.