(vasep.com.vn) Ngày 04/12/2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 145/CV-VASEP tới Tổ Công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC để báo cáo tình hình sản xuất – xuất khẩu và các bất cập, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của DN thủy sản 11 tháng đầu năm 2024.
1. Vướng mắc tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và Nghị định 38/2024/NĐ-CP (Thẩm quyền xem xét: Bộ NNPTNT)
Trong quá trình thực thi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cho chuỗi cung ứng hải sản khai thác liên quan đến quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại Nghị định 37. Qui định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác NK với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng XK” tại Nghị định 37 và quy định xử phạt tại khoản 4 Điều 42 Nghị định 38.
Ngày 4/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 111/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống IUU, trong đó chỉ đạo Bộ NNPTNT tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37 và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2024.
Ngày 14/11/2024, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản 8369/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Hiệp hội VASEP và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 37.
VASEP kiến nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp các nội dung bất cập, vướng mắc đã được báo cáo liên quan tới Nghị định 37 và Nghị định 38 để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập cho sản xuất-kinh doanh của ngư dân và DN theo như chỉ đạo của Thủ tướng CP tại công điện 111/CĐ-TTg và văn bản 8369/VPCP-NN kể trên.
2. Bất cập trong thủ tục cấp giấy S/C và C/C trên hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) phục vụ xuất khẩu hải sản sang EU và các nước có yêu cầu (Thẩm quyền: Bộ NNPTNT)
VASEP kiến nghị Trong giai đoạn chuyển giao này, để không ảnh hưởng, gián đoạn đến hoạt động sản xuất của bà con ngư dân, hoạt động sản xuất XK của doanh nghiệp, bên cạnh triển khai song song việc tiếp nhận và cấp các hồ sơ về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác bằng cả hồ sơ giấy và cả trên hệ thống eCDT, trân trọng đề nghị Bộ NNPTNT và Cục Thủy sản tiếp tục hoàn thiện phầm mềm eCDT bao gồm cả việc nhập liệu đối với tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không lắp đặt VMS và quy trình xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) đối với nguyên liệu khai thác từ các tàu khai thác này.
3. Vướng mắc về thủ tục hoàn thuế giá trị giá tăng (GTGT) đối với các dự án đầu tư mới (Thẩm quyền: Bộ Tài chính)
Còn một số vấn đề mà doanh nghiệp bị vướng mắc như thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư dự án mới chưa được hoàn thuế; Thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư dự án mới bị dừng hoàn thuế.
Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về hoàn thuế GTGT cho 2 trường hợp trên để các Cục thuế địa phương nhanh chóng thực hiện hoàn thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư đang còn tồn đọng.
4. Quan ngại về đăng ký và công bố sản phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước và quản lý các sản phẩm phải kiểm soát đặc biệt trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (ATTP) sửa đổi (Thẩm quyền: Bộ Y tế)
Hiệp hội kiến nghị: Bộ Y tế và ban soạn thảo xem xét: Không đưa vào Dự thảo Luật các quy định tiền kiểm của Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã bị loại bỏ và trái với Nghị quyết của Chính phủ như đăng ký 100%, kiểm tra NK 100% không theo quản lý rủi ro, kiểm tra định kỳ; Sửa đổi Luật ATTP theo hướng đưa các quy định tiên tiến của Nghị định 15/2018/NĐ-CP vào Luật, cụ thể là các quy định về đăng ký bản công bố và tự công bố; kiểm tra thực phẩm NK theo quản lý rủi ro 3 mức độ: chặt, thông thường và giảm.
5. Quan ngại một số nội dung trong Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi (Thẩm quyền xem xét: Bộ KHCN):
Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi đang xin ý kiến góp ý đã đưa ra nhiều thủ tục hành chính và yêu cầu khắt khe, không cần thiết cho các sản phẩm NK, sản xuất tiêu thụ tại Việt Nam cũng như các sản phẩm XK mà thông lệ quốc tế chỉ khuyến khích, không bắt buộc cũng như thực tiễn hiện tại đang không có.
VASEP đề nghị Bộ KHCN xem xét, tiếp thu các góp ý của VASEP tại công văn số 124/CV-VASEP để sửa đổi dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi), đảm bảo việc không có các quy định khắt khe hơn thông lệ quốc tế đối vói hàng xuất khẩu; đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường trong nước chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro.
6. Một số bất cập liên quan trong giao thông vận tải (Thẩm quyền: Bộ Giao thông Vận tải):
Một số quy định, chính sách về giao thông vận tải được ban hành đã lâu, khi điều kiện giao thông còn khó khăn và phương tiện vận chuyển còn cũ kỹ. Hiện nay, cả hạ tầng và phương tiện giao thông đều đã được mở rộng và cải thiện, khối lượng hàng hoá luân chuyển cũng gia tăng vượt bậc. Vì vậy, một số quy định, chính sách về giao thông vận tải hiện hành không còn phù hợp và cần được sửa đổi, bổ sung, dựa trên các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Hiệp hội VASEP kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét về quy định cấm, hạn chế tải trọng và thời gian lưu thông các loại xe chở hàng trong các thành phố vào ban ngày; các qui định liên quan tới việc dừng, đỗ xe đảm bảo hợp lý. - Đề nghị tăng cường đầu tư thiết bị, trung tâm kiểm soát giao thông (sớm được tự động hoá tối đa - tiến tới dùng AI kiểm soát) và áp dụng hình thức "phạt nguội" để hạn chế (tiến tới loại bỏ) hình thức phạt nóng để giảm tải ách tắc giao thông.
Công văn số 145/CV-VASEP ngày 4/12/2024