(vasep.com.vn) Ngày 12/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 218/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:
+ Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn để phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để phục vụ chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.
+ Phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:
Sớm tổng kết, đánh giá và tham mưu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025 để có thể triển khai ngay từ đầu năm, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:
+ Theo dõi sát tình hình các thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường để ổn định thị trường ngoại tệ.
+ Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro;
+ Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về thị trường tiền tệ, bảo đảm hoạt động ngân hàng lành mạnh, bền vững.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật; khẩn trương tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" về pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:
+ Khẩn trương triển khai, có giải pháp xử lý kịp thời, tháo gỡ các "điểm nghẽn", khơi thông các nguồn lực để phát triển.
+ Quán triệt quan điểm xây dựng pháp luật theo hướng vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Thực hiện hiệu quả, thực chất các công đoạn trong quy trình xây dựng, ban hành pháp luật, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức thi hành pháp luật, chú trọng hướng dẫn thi hành pháp luật, bảo đảm hiểu, áp dụng pháp luật thống nhất; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
+ Ưu tiên nguồn lực, xác định hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tập trung rà soát, chủ động phát hiện, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ quy định pháp luật.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; thúc đẩy thị trường trong nước và xuất khẩu
- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trong nước, tăng cường các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ trong giai đoạn cao điểm cuối năm, góp phần tăng tổng cầu trong nước; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, thương mại điện tử.
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: Thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, giàu tiềm năng đối với các sản phẩm có thế mạnh, nhất là các thị trường lớn ở Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ La-tinh, các nước Pakistan, Ai Cập…; thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu trên cơ sở kết quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và thúc đẩy xuất khẩu nông sản;
Cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:
+Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; phân cấp triệt để cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm. Tăng cường thực hiện giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ Nhân dân. Chuyển đổi số toàn diện việc thực hiện thủ tục hành chính, nhất là hoạt động cấp phép, chuyển mạnh sang cấp phép tự động dựa trên ứng dụng công nghệ, dữ liệu số.
+Đổi mới toàn diện và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tiến tới cung cấp dịch vụ công toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu. Chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm.