Có thể thấy nhiều yếu tố tác động khiến ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản nước ta trong quý I khá trầm lắng. Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản rất cần chính sách hỗ trợ để duy trì và ổn định sản xuất trong thời gian tới.
Theo một số doanh nghiệp, hiện nay hạn ngạch nhập khẩu một số mặt hàng đang ở mức cao. Đơn cử như tại Hàn Quốc, chi phí để có hạn ngạch nhập khẩu tôm theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) thông qua cơ chế đấu thầu đã tăng đến khoảng 14-16% so với giá trị nhập khẩu. Điều này, làm tăng giá và khó cạnh tranh. Bởi vậy chính sách giảm hạn ngạch cần được quan tâm điều chỉnh.
Còn theo các doanh nghiệp thuỷ sản ở Kiên Giang, câu chuyện đơn hàng chỉ là nhất thời, lúc tăng lúc giảm theo nhu cầu của thị trường là chuyện bình thường. Quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu, bởi nguyên liệu mà cạn kiệt thì ngành thuỷ sản sẽ khó mà đứng vững được thời gian tới.
Để tháo gỡ khó khăn, tại cuộc làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản mới đây, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho ngành chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023. Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. Vận dụng chính sách tài khóa mở rộng linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp, nếu triển khai tốt, đây sẽ là “phao cứu sinh” giúp họ có cơ hội sản xuất và bứt phá.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ nguồn vay ưu đãi, các doanh nghiệp thủy sản cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có nghiên cứu điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm xã hội và các chi phí khác, giúp cho người lao động tăng thu nhập trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Theo Truyền hình Quốc hội Việt Nam