Hội nhập kinh tế quốc tế: nhiều cản trở từ phi thuế quan đòi hỏi hài hòa thủ tục

(vasep.com.vn) Ngày 11/1/2018, Phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế lần thứ nhất năm 2018, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã diễn ra tại Hà Nội.

Báo cáo về tình hình triển khai hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo cho biết, tới nay Việt Nam đã phê chuẩn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bao gồm: Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và 5 FTA ASEAN+1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand); 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA), với Hàn Quốc (VKFTA), với Chile (VCFTA) và với Liên minh kinh tế Á-Âu (VN- EAEU). Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hồng Kông vào tháng 11/2017.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam. 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm 2017, kinh tế, xã hội đạt được thành công toàn diện, vượt bậc với nhiều mốc có ý nghĩa. Mặc dù là năm không ký kết các FTA nào nhưng năm 2017 đánh dấu thành công của APEC- sự kiện giao thương, đầu tư lớn hàng đầu thế giới, đạt “kỷ lục” về giao thương xuất, nhập khẩu với kim ngạch 425 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản đã hơn 36 tỷ USD. Môi trường kinh doanh, cạnh tranh quốc gia tăng bậc, 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ năm 2018 là năm bản lề cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả giai đoạn, yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế, lấy hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm.

Nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng, hiện nay Việt Nam đang được hưởng lợi nhất về mặt ưu đãi thuế quan nhưng đồng thời lại là sự đối mặt với các rào cản phi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu. Trong 10 thị trường XK truyền thống chính, các DN cần mở rộng ra hơn 200 nước khác.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội đánh giá cao sự phối hợp của Đoàn đàm phán các FTA trong thời gian qua. Qua đây, ông cũng mong trong thời gian tới, các Hiệp hội và DN sẽ được tham vấn nhiều hơn, kiến nghị cũng được giải quyết kịp thời hơn.

Ông Nam cho biết, hiện nay, Nhật Bản là một những thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Năm 2016, giá trị  XK cá ngừ của Việt Nam thị trường này đã giảm so với năm 2015. Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo phản ánh của chính các nhà nhập khẩu Nhật Bản, một phần là do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đang bị áp thuế cao hơn 7% so với các nước xuất khẩu cá ngừ cạnh tranh chính trong khu vực như Thái Lan và Philippines. Do vậy, các DN XK thủy sản mong muốn, Bộ Công Thương lưu tâm ưu tiên đưa vấn đề này trong các cuộc đàm phán mà trước hết là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) để đưa mức thuế nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ Việt Nam được về 0% như Thái Lan và Philippines.

Ngày 17/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp (DN). Theo đó, “hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN”.

Tuy nhiên, kết quả sơ bộ của VASEP trong năm 2017 cho thấy số lượt thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước tại DN trong năm 2017 vẫn còn cao, trong đó nhiều DN phải tiếp tới 6 - 7 đoàn thanh kiểm tra, thậm chí có tới 2 lượt thanh kiểm tra trong cùng một lĩnh vực.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục