'Mong ngân hàng thương mà giãn nợ, cho vay tiền để làm lại'

Nhiều ngư dân tại Quảng Ninh gần như trắng tay sau khi bão số 3 (bão Yagi) quét qua. Điều bà con mong mỏi nhất lúc này là 'ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ, cho vay tiền để làm lại".

Chú thích ảnh

"Còn gì nữa đâu"

Cơn bão Yagi qua đi, ông Vũ Văn Cường (trú khu 3, xã Tân An, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) ngậm ngùi chia sẻ: "Còn gì nữa đâu, 3 bè cá của gia đình tôi thiệt hại gần 14 tỉ đồng, có những nhà bên cạnh thiệt hại 20, 30 tỉ đồng. Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào".

Chị Nguyễn Thị Phương (trú TT.Cái Rồng, H.Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nghẹn ngào: "Chúng tôi không lường được bão Yagi có sức công phá lớn đến như vậy. Hàng chục tỉ đồng, chủ yếu là hàu, cá song đã bị cuốn trôi".

'Mong ngân hàng thương mà giãn nợ, cho vay tiền để làm lại'- Ảnh 1.

Đầu tư nhiều ô nuôi cá, thiệt hại của gia đình chị Ngô Thị Thúy (trú khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An) do bão số 3 lên tới 12 tỉ đồng. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng.

"Bão qua đi, mọi người sẽ tiếp tục công việc của mình, tiếp tục gắn bó với biển để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng làm sao mà không đau đớn, xót xa được. Giờ đây chúng tôi không biết xoay xở thế nào vì mọi tài sản đã bị cuốn trôi", chị Thúy nói.

Gia đình chị Thúy vay Agribank 4 tỉ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. "Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể có tiền trả nợ ngân hàng", chị Thúy nhấn mạnh.

Ông Cường cũng bộc bạch: "Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại".

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, qua nắm bắt nhanh của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn, đến hết ngày 10.9, có tổng số 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỉ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3. Một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng (trôi mất bè nuôi).

Các khách hàng vay vốn tại Quảng Ninh bị thiệt hại theo ngành, lĩnh vực gồm: nông, lâm, thủy sản có 6.270 khách hàng, dư nợ 1.463 tỉ đồng; công nghiệp - xây dựng có 533 khách hàng, dư nợ 5.243 tỉ đồng; thương mại, dịch vụ có 4.255 khách hàng, dư nợ 3.948 tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3.

Cạnh đó, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả.

Hướng về miền Bắc: Lời kêu gọi chung tay ủng hộ đồng bào sau bão số 3

Xem xét giảm lãi suất, cơ cấu dư nợ cho vay

Tại buổi làm việc giữa Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh tại Quảng Ninh và Hải Phòng mới đây, đại diện các ngân hàng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão.

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, thông tin đã có gần 6.000 khách hàng của ngân hàng này bị ảnh hưởng do bão số 3 với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng tại Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỉ đồng.

'Mong ngân hàng thương mà giãn nợ, cho vay tiền để làm lại'- Ảnh 2.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% từ ngày 6.9 - 31.12 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỉ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.

Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.

Tại Agribank, Phó tổng giám đốc Đoàn Ngọc Lưu cho biết, ngân hàng đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng; đồng thời thành lập các đoàn công tác để đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ...

Từ đó, triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay, dư nợ bị ảnh hưởng, giảm lãi suất, cho vay mới, khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh.

Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú đánh giá, nhiều khách hàng, doanh nghiệp thiệt hại mà không có khả năng trả nợ và gần như mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp. Đây là vấn đề lớn đặt ra với các cấp, các ngành, đặc biệt với ngành ngân hàng.

Từ đó, ông Tú chỉ đạo: "Cần có những chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp và giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, góp phần ổn định cuộc sống cũng như khắc phục hậu quả do bão để lại".

Theo Báo Thanh Niên

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục