Xuất khẩu thủy sản sẽ thiết lập kỷ lục mới

Với kết quả xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm trên 7% thị phần giao thương thủy sản toàn cầu, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. Ước tính đến giữa tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.…

 

Đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thuỷ sản đạt 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thuỷ sản đạt 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2022 có nhiều biến động và khó khăn đối với xuất nhập khẩu, trong đó có ngành thuỷ sản.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Kết quả là tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng 80%

Theo VASEP, ước tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu cá tra đã thu về lượng ngoại tệ gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021.

Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 30% với khoảng 654 triệu USD trong 10 tháng, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước.

Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu cá tra số 1 từ Việt Nam, vượt qua thị trường Mỹ. So với các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc luôn duy trì tăng trưởng cao nhất, qua các tháng đều có doanh số tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ước tính trong tháng 10, xuất khẩy cá tra sang thị trường này đạt khoảng 64,2 triệu USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cá tra phile/cắt khúc đông lạnh sang đây chiếm 75% với trên 48 triệu USD; cá tra tươi/đông lạnh nguyên con chiếm trên 24% đạt gần 16 triệu USD.

Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Trung Quốc đạt trên 489 triệu USD, tăng 115%; xuất khẩu cá tra tươi/đông lạnh mã 0303 đạt trên 163 triệu USD. Ước tính khối lượng cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc tính đến cuối tháng 10 đạt khoảng 215 nghìn tấn.

Giá trung bình cá tra phile đông lạnh (mã HS 030462) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đạt 2,28 USD/kg. Trong đó giá xuất khẩu trung bình trong tháng 9 đạt mức cao nhất từ đầu năm, với 2,73 USD/kg.

Nhu cầu thị trường tăng trong quý 3 và đầu quý 4 để phục vụ cho đơn hàng và tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán, lễ hội cuối năm trong khi nguồn cung nguyên liệu giảm khiến cho giá cá xuất khẩu tăng cao hơn vào giai đoạn này.

"Đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine khiến cho cước vận tải biển tăng và lạm phát cũng là những thách thức lớn đối với các nhà xuất khẩu thuỷ sản Trung Quốc. Do vậy, với vị trí địa lý gần sát Trung Quốc, thuỷ sản Việt Nam sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu đại lục này, đặc biệt là mặt hàng cá tra".

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam có hơn 400 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc.

Những doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường này gồm Công ty CP Vĩnh Hoàn chiếm trên 16% kim ngạch cá tra sang Trung Quốc, Công ty TNHH Biển Đông chiếm gần 6%, các công ty TNHH Chế biến Thực phẩm xuất nhập khẩu Vạn Đức Tiền Giang, Công ty CP Nam Việt và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I đều chiếm 5%...

Ngoài ra nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Trung Quốc còn có Công ty TNHH Đại Thành, Công ty CP Gò Đàng, Công ty CP Thủy sản Trường Giang, Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II và Công ty  CP Thủy Sản NTSF.

“Chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho các ngành sản xuất của nước này đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành thuỷ sản. Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản bị giảm sản lượng một phần vì các quy định kiểm soát Covid của nước này. Do vậy, Trung Quốc càng phải gia tăng nhập khẩu từ các nước để bù đắp thiếu hụt sản lượng cho tiêu thụ nội địa và cho cả lĩnh vực chế biến xuất khẩu của nước này”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP nhận định.

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có thông điệp rằng sẽ không nới lỏng ngay lập tức chính sách Zero - Covid, do vậy giao thương của các nước với Trung Quốc chắc chắn chưa thể hồi phục được như trước đại dịch.

Tuy nhiên, quy định kiểm tra Covid-19 trong hàng nhập khẩu cũng đã được nới lỏng từ tháng 7/2022, tức là nhà xuất khẩu sẽ không bị tạm ngừng xuất khẩu nếu phát hiện có dấu vết virus corona trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm nhập khẩu.

Vì vậy, cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục rộng mở. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường trụ cột và tiềm năng cho sản phẩm cá tra Việt Nam trong năm nay và năm tới.

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới 

Không chỉ xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh, mà xuất khẩu nhiều loại thủy sản khác cũng tăng cao. Tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19%.

Xuất khẩu tôm năm 2022 dự kiến đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính là tôm chân trắng, chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD; tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 1,5 tỷ USD.

Xuất khẩu cá ngừ tính đến hết tháng 10 ước đạt 890 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ. Năm 2022, lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 

Tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu, các doanh nghiệp cá ngừ chế biến đa dạng sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ loin/phile đông lạnh và cá hộp sang các thị trường và linh hoạt theo xu hướng thị trường trong giai đoạn Covid-19 cũng như lạm phát…

Tính tới tháng 10/2022, các sản phẩm mực – bạch tuộc xuất khẩu đã đạt doanh số 625 triệu USD, tăng 32%. Ước tính cả năm 2022, xuất khẩu sản phẩm này sẽ đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021.

"Với những kết quả đã đạt được, ước tính đến giữa tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới".

Theo Dự báo của VASEP

Theo VASEP, năm 2022, ước tính ngành thuỷ sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thuỷ sản đóng góp gần 12% giá trị. “Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thuỷ sản nói chung đang bị giảm 0,6% điểm thì ngành hàng thuỷ sản tăng 0,4% điểm, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thuỷ sản trong chỉ số GDP của cả nước, đặc biệt trong ngành hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu”, bà Lê Hằng nhấn mạnh.

Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy – 2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Với kết quả của năm 2022, ước tính thuỷ sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới.

Bảo Ngọc (Theo VnEconomy)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục