Chưa đến lịch theo thông báo của phía Trung Quốc là sẽ ngưng tiếp nhận hàng đông lạnh qua cảng biển, thế nhưng, đã có gần 1.000 xe thủy sản đông lạnh VN đang ùn ứ tại cửa khẩu Móng Cái và hơn 4.000 xe trái cây dồn ứ tại 3 cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.
Mất nửa tháng mới thông quan hết hàng ngàn xe thanh long, mít
Ngày 11.12, Trung tâm quản lý cửa khẩu - Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn lại gửi công văn lần thứ 2 đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể, ông Vi Nhân Đạo, Phó giám đốc trung tâm này, cho biết diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn, năng lực thông quan ngày càng hạn chế; lưu lượng người và phương tiện tại các cửa khẩu tăng cao. Thế nên, nay tất cả các cửa khẩu bến bãi đã quá tải, tạo sức ép rất lớn lên công tác phòng, chống dịch cũng như công tác bảo đảm an ninh trật tự, môi trường khu vực cửa khẩu. Đến nay, lượng hàng hóa tồn tại 3 cửa khẩu trên lên đến 4.058 xe.
Cụ thể, theo Trung tâm quản lý cửa khẩu, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có lượng xe tồn tại khu cửa khẩu và khu trung chuyển lên đến 1.016 xe, năng lực xuất khẩu ở đây những ngày gần đây đạt 120 - 130 xe mỗi ngày. Tại cửa khẩu Chi Ma (tạm dừng thông quan từ ngày 8.12) đang tồn 738 xe và năng lực thông quan chỉ khoảng 30 - 40 xe mỗi ngày. Thế nên, lượng hàng đang dồn về cửa khẩu phụ Tân Thanh với 2.304 xe, khu thuế quan và các bến bãi khu vực Cốc Nam. Trong khi đó, năng lực xuất khẩu những ngày gần đây tại Tân Thanh từ trên 200 xe, nay giảm còn 150 - 160 xe mỗi ngày. Theo cơ quan hải quan, riêng mặt hàng trái cây đang bị ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít, nhanh nhất phải mất nửa tháng mới thông quan hết. Nếu vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và giá cả hàng hóa.
Mới đây, Trung Quốc cũng có thông báo tạm dừng việc tiếp nhận nhập khẩu hàng đông lạnh trong vòng 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022 qua đường cảng biển. Bà Phan Thùy Dung, chủ đầm tôm ở Khánh Hòa, cho hay xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc theo đường biển phía Trung Quốc báo tạm ngưng đầu tháng 1.2022 nhưng nay đồng loạt các nhà nhập khẩu ngưng mua hàng. Thông tin mới nhận được là các công ty chế biến thủy sản chính ở thành phố Đại Liên (Trung Quốc) ngưng hoạt động đến sau tết, ít nhất là sang tháng 2.2022. Nên mấy chục tấn tôm đến vụ thu hoạch của công ty đang muốn chuyển hướng bán sang đường bộ, nhưng nay đường bộ cũng tắc luôn rồi. “Thêm một năm không có tết!”, bà Dung lắc đầu nói. Thế nhưng cập nhật đến ngày 11.12, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) có hơn 800 xe đông lạnh chở tôm đông lạnh, cá ba sa… bị ùn ứ tại đây.
Trước đó, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông tin, phía Trung Quốc từ cuối tháng 11 yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu không cho xe đông lạnh xuất sang nước này dịp trước và sau Tết Nguyên đán truyền thống để cán bộ hải quan Trung Quốc được về ăn tết với gia đình. Lâu nay, các đơn vị hải quan cửa khẩu phía Trung Quốc… làm việc và ở lại trại khu vực cửa khẩu để kiểm soát đối với hàng đông lạnh nhập khẩu từ VN phải cách ly 21 ngày trước khi về khu vực nội địa. Lực lượng này cũng được xét nghiệm Covid-19 cứ 2 ngày/lần.
Tăng xuất sang các thị trường khác
Ngày 12.12, trao đổi với Thanh Niên, ông Vy Công Trường, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho hay tình hình xe hàng trái cây ùn ứ tại các cửa khẩu đã được báo động từ rất sớm, khi phía Trung Quốc có thông báo. Nhiều cơ quan, ban ngành và lãnh đạo cao cấp đã nhiều lần trao đổi, làm việc với các cơ quan quản lý phía Trung Quốc, thế nhưng, với chính sách theo đuổi “zero Covid-19” mà Trung Quốc đang áp dụng, mọi tình thế rất khó xoay chuyển.
“Trong khi đó, tháng giáp tết là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như thanh long, xoài, mít… từ các tỉnh phía nam. Ngoài việc siết thông quan, phía Trung Quốc đang đặt ra nhiều yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì… khiến hàng thông quan đã chậm lại càng chậm thêm. So với thời điểm năm 2019 khi chưa bùng phát dịch Covid-19, lượng hàng thông quan qua 3 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến nay chỉ đạt 20 - 25%”, ông Trường cho hay. Trung tâm quản lý cửa khẩu cũng cảnh báo doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch xuất nhập khẩu để tránh bị động, điều tiết hàng từ xa và hạn chế đưa các phương tiện chở hàng lên cửa khẩu Lạng Sơn trong thời gian này
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Trung Quốc siết hàng đông lạnh nhập khẩu nếu có những yêu cầu cụ thể về kiểm soát dịch thì doanh nghiệp phải đáp ứng cho được để bán hàng. Còn việc theo đuổi chính sách “zero Covid-19” nên miễn tiếp hàng đông lạnh thì đành chịu. Tuy nhiên, ở đây có 3 vấn đề. Thứ nhất, nếu đóng cửa với hàng nông thủy sản Việt trong thời điểm giáp tết, về mặt thương mại là người tiêu dùng của nước họ thiệt chứ chưa phải người bán thiệt. Thứ hai, giữa VN và Trung Quốc đã có những ký kết hiệp ước cơ bản tạo thuận lợi thương mại hàng hóa cho 2 nước, nếu coi dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng, việc họ đơn phương từ chối nhận hàng, siết không mở cửa cho hàng hóa vậy đã đúng với cam kết giữa 2 nước ký kết chưa. Khi trao đổi ở cấp Chính phủ, bộ... phải lưu ý và bám vào những quy định cụ thể để thương thảo, điều chỉnh. Tiếp tục trao đổi vẫn chưa muộn.
Thứ ba, với hàng hóa chưa đưa ra cửa khẩu, đang có nguy cơ ùn ứ tại các địa phương, nhà xuất khẩu phải tìm thị trường mới để xuất. Bên cạnh đó, tăng kích cầu trong nước cũng là giải pháp tình thế nhu cầu thị trường nội địa có giới hạn, đặc biệt trong bối cảnh người dân trải qua gần nửa năm giãn cách chống dịch.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của VN. Trong 11 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,4 tỉ USD, trong đó, rau quả chiếm hơn 23% tỷ trọng kim ngạch.
(Theo báo Thanh niên)