Nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia

Các nhà nhập khẩu Australia nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển nhanh sang áp dụng chứng nhận điện tử vì đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhanh hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn

Ngày 1-10, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia Andrew Metcalfe, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie... các nhà quản lý và hơn 150 đại biểu từ các địa phương, doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam và Australia.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Vũ Quang Minh nhấn mạnh, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia đang phát triển hết sức tốt đẹp; Australia đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia vẫn liên tục tăng thời gian qua, đặc biệt trong 8 tháng của năm 2021 tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ trưởng Vũ Quang Minh đề nghị, hội thảo tập trung đánh giá thách thức và cơ hội để tăng cường kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia Andrew Metcalfe cho rằng, để thủy sản Việt Nam ngày càng có mặt nhiều hơn tại thị trường Australia, hai bên cần tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để các nhà sản xuất của Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn tiêu chuẩn kiểm dịch của Australia. 

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và Phó Tổng Thư ký VASEP Tô Thị Tường Lan, thủy sản Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn về GlobalGap, tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường phát triển nhất. Trong thời gian tới, Việt Nam đặt kế hoạch tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất đi cùng với bảo vệ môi trường, sản xuất theo chuỗi khép kín, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để giám sát quy trình sản xuất, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu đảm bảo an toàn sinh học và thực phẩm. 

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại hội thảo, các đại biểu Australia đã chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam về các quy định nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm cụ thể, như tôm, các loại cá, trong đó gồm các quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Đại diện Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia đã giới thiệu các trang web và đầu mối trao đổi về các quy định chi tiết đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào thị trường Australia.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số, các nhà nhập khẩu Australia nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển nhanh sang áp dụng chứng nhận điện tử vì đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhanh hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn, góp phần giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh, không chỉ ở thị trường Australia mà còn với các đối tác khác. 

Các đại biểu đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Bộ Ngoại giao, đúng thời điểm và là cơ hội tốt để các cơ quan, doanh nghiệp thủy sản hai bên trao đổi và kết nối, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện "bình thường mới".

(Theo báo Hà Nội mới)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục