CTCP Chứng Khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sản lượng của VHC có thể tăng hơn 30% trong năm 2015. Như vậy, doanh thu từ thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản trong năm 2015 ước tính đạt khoảng 6.802 tỷ đồng (+27% so với năm trước).
Kết thúc năm 2014, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC - HOSE) đã “cán đích” với một kết quả ấn tượng khi LNST tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 439 tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố bất thường từ bán công ty con thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 (151 tỷ đồng) thì LNST từ hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn tăng 82%.
Đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, VHC tiếp tục dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra với tốc độ tăng trưởng trên hai con số trong hai năm gần đây. Thống kê các doanh nghiệp trong ngành, giá trị xuất khẩu của một số công ty giảm mạnh như AGF (-25%), IDI (-20%).
Khi phân tích chi tiết, VDSC thấy rằng mặc dù có giá trị xuất khẩu tăng trưởng đến 31% nhưng giá bán lại có sự sụt giảm, đặc biệt là thị trường Mỹ (-8%) và thị trường châu Âu (-17%). Ngược lại, đối với VHC, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 24% nhưng giá bán bình quân theo ước tính của VDSC vẫn tăng khoảng 6% trong năm 2014; trong khi đó, sản lượng cũng tăng trung bình khoảng 17%.
Nguồn cung giảm trong những năm gần đây cho thấy sự “đào thải” các doanh nghiệp nhỏ, lẻ trong ngành thủy sản vẫn đang tiếp diễn. Những doanh nghiệp đầu ngành như HVG, VHC, vì vậy, sẽ có cơ hội giành lại “miếng bánh” bị mất đi này.
Mặt khác, kết quả của quá trình này có thể dẫn đến việc nâng giá bán đầu ra cho sản phẩm cá tra xuất khẩu. Với lập luận này, VDSC cho rằng giá bán bình quân của VHC trong năm 2015 có thể tăng từ 2-3%. Song song đó, nhận thấy cơ hội trong ngành, đặc biệt là cơ hội từ mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg, VHC đã lên kế hoạch nâng công suất nhà máy từ 380 tấn/ngày lên 580 tấn/ngày với tổng giá trị lên đến hơn 560 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, cuối quý II/2015, tổng công suất có thể tăng lên 58% để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gia tăng. Với kế hoạch này cộng thêm những lợi thế cạnh tranh của VHC, VDSC dự báo sản lượng của VHC có thể tăng hơn 30% trong năm 2015. Như vậy, doanh thu từ thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản trong năm 2015 ước tính đạt khoảng 6.802 tỷ đồng (+27% so với năm trước).
Một điểm đáng chú ý trong năm 2015 là việc đóng góp doanh thu của nhà máy Collagen. Công ty cho biết trong quý II/2015, nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất với công suất ban đầu khoảng 35% và tổng doanh thu dự kiến là 180 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Vinh Hoan Singapore với vốn điều lệ 700.000 USD đã được thành lập để hỗ trợ việc xuất khẩu sản phẩm này. Mặc dù vậy, Doanh nghiệp cho biết trong ngắn hạn sẽ thâm nhập cả hai thị trường nội địa và xuất khẩu. Với tỷ lệ biên LN gộp từ 20-30%, cao hơn nhiều so với biên LN gộp từ mảng kinh doanh cá tra (từ 10-14%), sản phẩm này sẽ hỗ trợ cải thiện lợi nhuận.
Đồng thời, với chủ trương tập trung kinh doanh cốt lõi, trong năm 2015, VHC sẽ thoái khỏi mảng kinh doanh gạo vốn không mang lại lợi nhuận ròng trong các năm qua. Tổng vốn điều lệ của công ty TNHH lương thực vĩnh hoàn 2 vào khoảng 100 tỷ đồng trong đó tỷ trọng vốn góp của VHC khoảng 99,3%. Giá trị của khoản thoái vốn vẫn chưa được tiết lộ, nhưng VDSC cho rằng không có nhiều kỳ vọng về một thương vụ bán tài sản “thuận lợi” như năm 2014.
Với những phân tích này, VDSC dự phóng doanh thu năm 2015 của VHC vào khoảng 7.573 tỷ đồng (+20% so với năm trước) và LNST tăng khoảng 39%, đạt 400 tỷ đồng. KQKD theo dự báo này cao hơn so với kế hoạch của VHC về doanh thu và LNST lần lượt là 4% và 25%. Như vậy, P/E của doanh nghiệp vào khoảng 8x, khá hợp lý so với ngành.
Tuy nhiên, nếu xét trên yếu tố dài hạn, VDSC kỳ vọng nhiều hơn vào lợi thế cạnh tranh của VHC với thương hiệu, phân khúc sản phẩm cao cấp cũng như khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu với ưu đãi về thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Nhờ những lợi thế này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của VHC có thể duy trì trên hai con số. Ngoài ra, khi dự án Collagen đi vào hoạt động ổn định, biên lợi nhuận gộp của Doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể.
(Theo NDH)