Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi tôm nước lợ 37.893/51.000ha, tăng 8,8% cùng kỳ, diện tích thiệt hại khoảng 5%, thấp hơn cùng kỳ gần 1,4% và đã thu hoạch 12.777ha, sản lượng 70.150 tấn, đã tiêu thụ hết. Diện tích tôm còn lại ở giai đoạn dưới 30 ngày tuổi đến trên 120 ngày tuổi.
Hiện nay, những hộ nuôi tôm ở khu vực cách ly y tế mà có khu nuôi tại địa phương khác thì rất khó trong việc đi lại để theo dõi, chăm sóc ao tôm. Kèm với đó, giá cả vật tư phục vụ nuôi tôm tăng do phát sinh thêm chi phí vận chuyển; nhiều đại lý vẫn thu mua tôm và thu mua liên xã, nhưng không mua trong vùng đang cách ly y tế, do chi phí vận chuyển, phí test Covid-19 cho nhân công 3 ngày/lần, nhân công thu hoạch giảm, số lượng thương lái giảm dẫn đến giá thu mua tôm giảm.
Hiện tôm loại 100 con/kg, thương lái thu mua giá dao động 60.000 - 65.000 đồng/kg. Đồng thời, các doanh nghiệp sơ chế tôm nhỏ tại địa phương tạm dừng tiếp nhận các công nhân từ địa phương khác làm việc, cũng ảnh hưởng đến việc thu mua tôm. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, mặc dù giá tôm có giảm nhưng theo đánh giá của các địa phương có nuôi tôm, đầu ra cho con tôm khá ổn định, bởi phần lớn diện tích tôm nuôi của tỉnh phục vụ cho các nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, vấn đề tiêu thụ tôm trong thời gian tỉnh thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tạm ổn, bởi tỉnh có 22 nhà máy, cơ sở chế biến tôm xuất khẩu, nên nguồn lực thu mua có. Để phương tiện thu mua nông sản, thủy sản hoạt động thuận lợi trong thời gian giãn cách xã hội, ngành nông nghiệp đã phối hợp Sở Giao thông Vận tải cấp thẻ nhận diện phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động trên “luồng xanh” và hướng dẫn lập phiếu vận tải cho các trường hợp vận tải hàng hóa trong tỉnh. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục lấy ý kiến ngành liên quan, cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh để ban hành hướng dẫn mới của ngành về việc thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông, thủy sản trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người thu mua, kể cả chủ hộ sản xuất thuận lợi hơn.
“Để đảm bảo vụ tôm nuôi nước lợ đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, dựa trên dự báo của ngành chuyên môn, để kịp thời thông tin đến người nuôi tôm nắm bắt thông qua nhiều hình thức mail, zalo; tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ tôm cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung; phát triển các giải pháp công nghệ sản xuất giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường, men vi sinh và chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản; nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nuôi tôm…” - đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ thêm.
Theo đồng chí Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021” được tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, để ngành nuôi tôm nước lợ đạt thành quả tốt, các địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ cần tiếp tục triển khai Luật Thủy sản năm 2017, đặc biệt là quan tâm triển khai, đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường; ưu tiên phát triển ngành nuôi tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đồng thời, quan trắc cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, dùng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); triển khai đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản, đặc biệt là thức ăn cho tôm…”.
(Theo báo Sóc Trăng)