Thủy sản là lợi thế của Anh trong đàm phán Brexit

(vasep.com.vn) Nhà ngoại giao EU thừa nhận thủy sản là một lợi thế lớn của Anh trong các cuộc đàm phán Brexit với EU.

Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 1/2021 với thời gian chuyển tiếp được ấn định sẽ kết thúc trong tháng 12/2020. Tuy nhiên, hiện tại cả hai bên đều không thể tiến tới một thỏa thuận nào về các vấn đề như khai thác thủy sản và viện trợ của nhà nước.

Thời hạn chót đạt thỏa thuận với EU trong tháng 10/2020 của thủ tướng Anh Boris Johnson đã qua đi. Hiện tại, EU và Anh đang tiến hành đàm phán vào phút chót để đạt được một thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Trong khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ không lùi bước đối với quyền khai thác ở các vùng biển của Anh, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo về tác động bất lợi mà Brexit có thể gây ra đối với lĩnh vực khai thác của Anh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo: “Trong mọi trường hợp, ngư dân của EU không thể là nạn nhân của Brexit”.

Tranh chấp về quyền khai thác thủy sản xảy ra sau khi EU yêu cầu Anh duy trì các quyền khai thác của EU trên các vùng biển của Anh. Theo Chính sách Nghề cá chung châu Âu (CFP), tất cả các quốc gia thành viên đều được tiếp cận các vùng biển của EU thông qua hạn ngạch.

Vì Anh có một khu vực ven biển rộng lớn, các nhà phê bình thường cho rằng hệ thống này là không công bằng. Luật pháp quốc tế quy định Anh không bắt buộc cho phép tàu khai thác thủy sản nước ngoài tiếp cận vùng biển của mình. Các ngư trường của Anh kéo dài 200 hải lý đến tận Bắc Đại Tây Dương cũng như bao gồm các khu vực của Biển Bắc nơi có trữ lượng thủy sản dồi dào nhất. Các tàu khai thác của EU sẽ chỉ có quyền khai thác nếu Anh cấp lại giấy chứng nhận sau Brexit.

Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Biển Đức, Uwe Richter, cảnh báo Brexit không có thỏa thuận có thể gây ra hậu quả nặng nề cho ngư dân Đức. Ông nói: "Nếu hiệp định nghề cá không được phê chuẩn vào cuối năm 2020, chúng tôi sẽ không còn được phép khai thác ở vùng biển của Anh". Richter cũng cho biết khoảng 40.000 tấn cá trích Biển Bắc có thể sẽ không được khai thác.

Mặc dù Anh có thể đánh bắt được nhiều thủy sản trong năm tới, nhưng họ sẽ rất khó XK vì hơn 3/4 tổng lượng thủy sản XK hiện nay của Anh được xuất sang EU. Ngoài ra, mức thuế lớn đối với sản phẩm đánh bắt của Anh có thể ảnh hưởng nặng nề đến ngành khai thác nội địa của quốc gia này.

Barrie Deas, Giám đốc điều hành của Liên đoàn các Tổ chức ngư dân quốc gia Anh, cho biết EU hiểu rằng không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc “các vấn đề về quyền đánh bắt” sẽ sớm xảy ra. Nếu không có thỏa thuận nào Anh sẽ tiến hành đàm phán hàng năm với EU để có một thỏa thuận độc lập cho năm 2021. Nếu không có thỏa thuận hàng năm, đội tàu EU sẽ không có quyền tiếp cận các vùng biển của Anh. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục