Thủy sản được ưa chuộng trong bối cảnh dịch COVID-19

(vasep.com.vn) Theo ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị GOAL 2020 của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu, bên cạnh những tác động tiêu cực đến ngành thủy sản, dịch COVID-19 cũng đã giúp các lĩnh vực trong ngành thủy sản xích lại gần nhau hơn. Với sự hợp tác của các bên liên quan trong chuỗi giá trị, ngành thủy sản có thể thay thế các ngành khác trong việc cung cấp protein và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng cao.

Từ tháng 3/2020 khi Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 là đại dịch, các doanh nghiệp thủy sản chứng kiến sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giá một số sản phẩm chính giảm xuống mức thấp nhất và hành vi tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng góp phần đưa người tiêu dùng đến gần hơn với sản phẩm thủy sản. Theo Matt Craze, người sáng lập của Spheric Research, chuỗi cung ứng thịt của Mỹ đã bị gián đoạn và thiếu hụt do dịch COVID-19, giúp ngành thủy sản có nhiều cơ hội hơn. Nhu cầu bán lẻ bùng nổ khi người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ thủy sản tại nhà.

Theo phân tích, người tiêu dùng cũng quan tâm đến hệ thống miễn dịch và coi thủy sản là một sự thay thế lành mạnh cho các loại thịt khác, ngoài ra giá sản phẩm thấp hơn cũng góp phần giúp doanh số bán hàng tăng cao. Cá hồi có giá cao trong nhiều năm, nhưng năm nay đã quay trở lại mức giá năm 2015 thu hút được nhiều khách hàng mới hơn. Thách thức đối với người nuôi cá hồi là phải tạo ra những sản phẩm mà người tiêu dùng muốn trong kịch bản mới này. Tôm là một trong những loại protein linh hoạt nhất được khách hàng ưa chuộng trong thời điểm đại dịch.

Tập trung vào những mặt hàng bán chạy

Giám đốc ngành hàng thủy sản của Delhaize America cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra khách hàng tìm kiếm bất kỳ sản phẩm protein nào họ thấy trên các kệ hàng. Các mặt hàng như thịt bò, thịt lợn và gia cầm rất hạn chế, nên người tiêu dùng chuyển sang thủy sản. Thủy sản đông lạnh được lợi nhất vì khách hàng cho rằng đây là một lựa chọn “an toàn” cho sức khỏe.

Về phía dịch vụ ăn uống, Jennifer Wandler, Giám đốc cấp cao quản lý ngành hàng thủy sản của nhà phân phối nổi tiếng US Foods cho biết, việc đóng cửa các nhà hàng ở Mỹ dẫn đến sự chuyển hướng sang ăn uống tại nhà, dịch vụ bán hàng chuyển sang hình thức bán mang đi và giao hàng thân thiện.

Craze cho biết, lĩnh vực thủy sản Mỹ cần phải nắm bắt xu hương nhu cầu bán lẻ khi mọi người quay trở lại cuộc sống bận rộn hơn, liệu họ có thời gian để tiếp tục tiêu thụ thủy sản ở nhà và vẫn theo xu hướng mua như cũ nếu giá cả tăng lên hay không. Một số nhà bán lẻ cố gắng đảm bảo nhu cầu được duy trì bằng cách sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến và kênh đồng tiếp thị.

Tuy nhiên, sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ ăn uống là một vấn đề lớn. Khảo sát gần đây của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ cho thấy, khoảng 1/6 số nhà hàng ở Mỹ (đại diện cho gần 100.000 doanh nghiệp) đã đóng cửa lâu dài hoặc vĩnh viễn. Ngoài ra, mùa đông đang bắt đầu ở Bắc bán cầu, vì vậy ăn uống ngoài trời sẽ không phải là lựa chọn ưu tiên.

Tiêu thụ thủy sản của Mỹ tiếp tục tăng

Arlin Wasserman, Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập của Change Tastes cho biết, tiêu thụ thủy sản đang tăng mạnh ở Mỹ. Thủy sản trở thành lựa chọn phổ biến nhất của người tiêu dùng Mỹ để thay thế thịt. Theo các cuộc khảo sát, trong hơn 2 năm người tiêu dùng Mỹ hạn chế lượng thịt tiêu thụ thịt bò. Ngoài ra, 1/5 người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt và muốn chuyển sang tiêu thụ thủy sản để thay thế. Do vậy, mức tiêu thụ thủy sản ở Mỹ sẽ tăng đáng kể.

Theo Wasserman, những người tiêu dùng muốn tiêu thụ thủy sản nhiều hơn và muốn mua các sản phẩm thủy sản khác đa dạng hơn. Vì vậy, cần tăng danh mục sản phẩm với nhiều chủng loại và hương vị mới. Trong khi tôm là loài được ưa chuộng nhất ở Mỹ kể từ hơn một thập kỷ trước, cá hồi ngày càng được ưa chuộng trong nhiều năm, các sản phẩm phổ biến khác như cá ngừ và cua đang giảm dần, tạo cơ hội cho các loài mới. Ngao, sò, tôm hùm, mực, hàu và đặc biệt là bạch tuộc đều tăng giá chóng mặt, một phần do tăng nhận thức về sức khỏe đại dương và sức khỏe con người thông qua thái độ tiêu dùng thủy sản.

Ngày càng nhiều người ưa thích sản phẩm thủy sản nuôi trồng hơn sản phẩm đánh bắt tự nhiên. Mức ưa chuộng thủy sản đánh bắt tự nhiên giảm dần theo tuổi tác. Thế hệ Z (sinh sau năm 2000)  ít có sở thích đối với sản phẩm đánh bắt tự nhiên hơn bất kỳ nhóm người tiêu dùng nào và họ cũng quan tâm nhiều hơn đến phương pháp sản xuất. Gần 1/3 số người đang có chế độ ăn uống lành mạnh và ưa chuộng thủy sản họ không muốn tiêu thụ các sản phẩm đánh bắt tự nhiên. Việc người tiêu dùng sẵn sàng thay thế thịt bằng thủy sản có lẽ là cơ hội lớn nhất cho ngành thủy sản.

Thực tế chung: Doanh số bán lẻ tăng

Một bối cảnh tiêu thụ chung là: doanh số bán lẻ tăng vọt ở khắp các khu vực của châu Á và châu Đại Dương. Theo ông Feng Yu, Giám đốc thu mua thủy sản tại JD.com - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc với 400 triệu người dùng - nói với hội nghị rằng đại dịch đã giúp nhà bán lẻ này có nhiều khách hàng hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số bán thủy sản của nhà bán lẻ này đã tăng gấp đôi so với với cùng kỳ năm 2019, ít nhất 30% khách hàng mới trở thành khách hàng thường xuyên. Chắc chắn thị trường bán lẻ thủy sản sẽ tiếp tục phát triển trong dài hạn.

Trong khi đó, ​​doanh số bán lẻ thủy sản tại Nhật Bản năm 2020 đã vượt mức đạt được trong năm 2019, trong khi dịch vụ ăn uống chỉ bằng 40% đến 50% hiệu suất của năm ngoái, theo Tommy Sekiguchi, Tổng giám đốc quản lý về nuôi trồng và dinh dưỡng tại Mitsui & Co. Ltd. Sekiguchi nhấn mạnh rằng, tiêu thụ thủy sản trong nước có thể tăng hơn nếu ngành thủy sản tăng cường sáng tạo và sử dụng các công nghệ mới giúp sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn.

Bill Wall, chuyên gia về bền vững tại Woolworths Australia, cho biết ông hy vọng nhu cầu ngày càng tăng đối với lĩnh vực bán lẻ thủy sản của Australia sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai. Hy vọng với sự gián đoạn này người tiêu dùng có thể nhận ra những điểm tích cực của ngành thủy sản: Dễ chế biến, an toàn với sản phẩm đa dạng ở nhiều mức giá.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục