Tại sao Trung Quốc nên cải cách hệ thống khuyến ngư?

(vasep.com.vn) Hệ thống khuyến ngư của Trung Quốc - vốn là động lực chính để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc trong 40 năm qua – cần phải khắc phục các vấn đề như không đủ kinh phí, cơ cấu đã lỗi thời và hệ thống quản lý kém hiệu quả để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng lâu dài của ngành.

Đây là kết luận của một nghiên cứu mới về vai trò của hệ thống khuyến ngư, hệ thống có từ những năm 1950, khi Chính phủ yêu cầu các chuyên gia nuôi trồng thủy sản nghiên cứu công nghệ nuôi trồng rong biển và nuôi thủy sản trong ao và đưa ra hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi trồng thủy sản thông qua các trang trại nuôi trồng thủy sản thuộc sở hữu Nhà nước.

Sau Cải cách và Mở cửa nền kinh tế Trung Quốc vào năm 1978, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt các chính sách và tuyên bố hành chính để thúc đẩy xây dựng một hệ thống khuyến ngư quốc gia đa chiều. Các tổ chức khuyến ngư sở hữu Nhà nước 5 cấp hiện là cơ quan chính, trong khi các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, tổ chức xã hội và doanh nghiệp thủy sản cũng là những bộ phận quan trọng. Các chương trình khuyến ngư kỹ thuật, khu trình diễn và tư vấn kỹ thuật là ba mô hình khuyến ngư phổ biến.

Thành tựu

Theo hướng dẫn của hệ thống khuyến ngư, diện tích nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc đã tăng từ 3,21 triệu ha năm 1978 lên 7,45 triệu ha năm 2017. Ấn tượng hơn, sản lượng sản xuất tăng gấp 41 lần - từ 1,21 triệu tấn năm 1978 lên 51,42 triệu tấn trong năm 2016 - chiếm lần lượt 20% và 64% sản lượng nuôi trồng thủy sản của thế giới. Các sản phẩm thủy sản nuôi trồng không những là một phần quan trọng trong nguồn cung cấp thực phẩm của Trung Quốc, mà còn là một nguồn cung chính của các sản phẩm thủy sản trên toàn cầu. Những thành tựu này đạt được bằng cách cải thiện năng lực sản xuất, chương trình khuyến ngư, tiếp cận thông tin và đào tạo.

Từ năm 2006, các tác giả của nghiên cứu giải thích, Trung Quốc đã thành lập và phát triển hệ thống khuyến ngư toàn diện, nơi các công nghệ tiên tiến được chuyển giao thành công cho những người tham gia trong ngành. Kết quả là nuôi trồng thủy sản Trung Quốc được thúc đẩy tốt hơn và các nhà sản xuất hiệu quả hơn, điều này đã làm tăng thu nhập của họ.

Thách thức

Tuy nhiên, các tác giả cho rằng hệ thống này tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn. Điều này đặc biệt đúng đối với việc tổ chức và quản lý các nỗ lực khuyến ngư ở nông thôn, nơi luôn tồn tại các vấn đề như không đủ kinh phí và cơ cấu lỗi thời.

Do đó, các tác giả kết luận rằng: Hệ thống khuyến ngư cần được cải cách. Những thay đổi như vậy nên dựa trên tình hình khuyến ngư hiện nay, tập trung vào xây dựng hợp tác giữa các cơ quan, thay đổi mục đích của các hoạt động khuyến ngư và nâng cao năng lực của lực lượng khuyến ngư. Trung Quốc nên học hỏi từ các nước phát triển, phát triển các cơ chế quản lý sáng tạo và hỗ trợ thêm vốn cho các trung tâm khuyến ngư. Một hệ thống khuyến ngư với đủ kinh phí, quản lý hiệu quả và cơ cấu đội ngũ nhân viên hiệu quả sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của ngành nuôi trồng thủy sản.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục