Tác động kéo dài của dịch COVID-19 đối với nhu cầu và giá thủy sản toàn cầu

(vasep.com.vn) Theo kết luận của báo cáo “Hiện trạng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn cầu năm 2020 – State of World Fisheries and Aquaculture” của FAO, lĩnh vực thủy sản toàn cầu sẽ trải qua những tác động kéo dài từ đại dịch COVID-19, bao gồm cả nhu cầu và giá giảm.

Năm 2020, báo cáo tập trung đặc biệt vào tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến thị trường thủy sản và chuỗi cung ứng toàn cầu. Báo cáo dự báo sản lượng thủy sản toàn cầu sẽ giảm 1,7% (6,6 tỷ pound) và giá trị thương mại thủy sản sẽ giảm gần 6 tỷ USD.

Trong đó, khai thác tự nhiên được dự báo sẽ giảm 2% (gần 4,2 tỷ pound), trong khi sản lượng nuôi trồng thủy sản dự kiến ​​sẽ giảm 1,4% (2,6 triệu pound).

Các tác động của dịch COVID-19 cũng khiến giá giảm. Theo The Global Fish Price Index, giá cá giảm 8,3% từ tháng 1- tháng 5/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Việc đóng cửa các nhà hàng khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm mạnh, dẫn đến nhu cầu dịch vụ thực phẩm “bốc hơi” tại nhiều thị trường quan trọng.

COVID-19 cũng tác động đến doanh số bán lẻ. Tuy nhiên, nhu cầu các sản phẩm đóng gói và đông lạnh tăng lên khi các hộ gia đình tìm kiếm các loại thực phẩm có thể bảo quản lâu để dự trữ. Suy thoái thị trường kéo dài có thể được dự báo ngay cả khi các biện pháp phong tỏa hiện tại được dỡ bỏ hoặc nới lỏng.

Các sản phẩm và loài cao cấp chủ yếu được bán trên thị trường tươi sống và thông qua dịch vụ thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hầu hết các hội chợ thương mại thủy sản sẽ tiếp tục bị hoãn hoặc hủy bỏ trong thời gian tới.

Cá hồi là mặt hàng thủy sản được giao dịch có giá trị nhất kể từ năm 2013, chiếm 19% tổng giá trị các sản phẩm thủy sản được giao dịch quốc tế trong năm 2018. Tăng trưởng sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều.

FAO cho biết, nhu cầu cá hồi giảm dự kiến ít nhất 15% trên toàn thế giới ​​và doanh số bán lẻ dự kiến ​​sẽ không phục hồi trong một khoảng thời gian, đặc biệt doanh số bán lẻ cá hồi tươi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số điểm sáng

Thủy sản là một trong những mặt hàng thực phẩm được giao dịch phổ biến nhất trên thế giới và tiêu thụ thủy sản toàn cầu đã tăng 3,1% trung bình từ năm 1961 đến năm 2017, cao hơn tất cả các loại protein động vật khác. Ước tính mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trên toàn cầu ở mức hơn 45 pound trong năm 2018. Ngành thủy sản toàn cầu đã sản xuất mức kỷ lục 212 tỷ tấn trong năm 2018, trung bình hơn 5,4% so với 3 năm trước. Sự gia tăng này chủ yếu là do sản lượng cá cơm đánh bắt đạt 15,4 tỷ pound từ Peru và Chile, sản lượng cá minh thái Alaska đứng thứ hai với 7,5 tỷ pound, theo sau là cá ngừ vằn ở mức 7 tỷ pound.

Trong năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay với gần 252 tỷ pound và giá trị đạt gần 264 tỷ USD. Mỹ là quốc gia khai thác hải sản lớn thứ 6 sau Trung Quốc, Indonesia, Peru, Ấn Độ và Nga. Tây Bắc Thái Bình Dương có sản lượng cao nhất với 25% sản lượng cập cảng toàn cầu.

Báo cáo đã ước tính 59,5 triệu người đã tham gia vào các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản trong năm 2018; phụ nữ chỉ chiếm 14%. Tổng số tàu cá đạt 4,56 triệu tàu, giảm 2,8% so với năm 2016. Châu Á là nơi có đội tàu lớn nhất, ước tính khoảng 3,1 triệu tàu, chiếm 66% tổng số tàu. Gần 80% sản lượng cập cảng hiện tại được khai thác từ các ngư trường bền vững về mặt sinh học. Địa Trung Hải và Biển Đen có tỷ lệ trữ lượng được khai thác ở mức không bền vững cao nhất (62,5%), tiếp theo là Đông Nam Thái Bình Dương (54,5%) và Tây Nam Đại Tây Dương (53,3%). Ngược lại, Đông - Trung Thái Bình Dương, Tây Nam Thái Bình Dương, Đông Bắc Thái Bình Dương và Tây Trung Thái Bình Dương có mức thấp nhất (13 - 22%).

Một lượng lớn thủy sản bị mất hoặc bị lãng phí trên toàn cầu (35%). Thủy sản được công nhận không chỉ là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất trên hành tinh, mà còn là đối tượng ít ảnh hưởng nhất đến môi trường tự nhiên.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục