Phát động phong trào tiêu thụ thủy sản ở Mỹ

(vasep.com.vn) Khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ở các bang buộc nhiều nhà hàng và hoạt động dịch vụ thực phẩm phải tạm thời dừng hoạt động, ngành thủy sản đang bị tổn thương nghiêm trọng. Ngư dân và các đại lý đang tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm bên cạnh việc yêu cầu sự trợ giúp từ Chính phủ.

Bert Jongerden, Tổng giám đốc của một sàn đấu giá Maine Portland Exchange, cho rằng thị trường cho các sản phẩm cao cấp như sò điệp và tôm hùm là không nhiều. Sàn giao dịch này thường giao dịch tới 60.000 pound thủy sản/tuần nhưng đã giảm mạnh xuống còn chưa đến 1/3 mức này.

Để thu hút nhiều người tiêu dùng tiêu thụ thủy sản, một nhóm gồm 19 tổ chức có tên là Liên minh hành động thủy sản cho sức khỏe – The seafood4Heath Action Coalition, đã phát động một chiến dịch hướng tới người tiêu dùng có tên "Nước Mỹ hãy tiêu thụ thủy sản “để thúc đẩy người tiêu dùng chăm sóc sức khỏe bằng cách tiêu thụ nhiều thủy sản và từ đó thúc đẩy nền kinh tế thủy sản Mỹ.

Theo Washington Post, mặc dù có sự gia tăng người mua sắm dự trữ thực phẩm trên khắp nước Mỹ, ngành thủy sản nước này vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn. Phân phối, chế biến và khai thác thủy sản đã ngưng trệ khi giá giảm và khách hàng cũng đang giảm dần. Khi các nhà hàng- nơi thủy sản thường được bán với giá cao, đóng cửa nhiều nghề cá của nước này đã báo cáo doanh số giảm tới 95% và hàng ngàn ngư dân thương mại có nguy cơ phá sản.

Theo dữ liệu của Urner Barry, trong năm 2017 khoảng 68% trong số 102,2 tỷ USD người tiêu dùng Mỹ chi cho các sản phẩm thủy sản dành cho dịch vụ thực phẩm. Việc thiếu nhu cầu đã khiến giá giảm đối với nhiều loại sản phẩm và thậm chí còn khiến một số ngư dân ngừng khai thác. Trong tháng 3/2020, giá bán buôn cho tôm hùm thấp hơn 33% so với giá được bán năm 2018.

Một số nhà sản xuất thủy sản đang cố gắng bán nhiều sản phẩm hơn trên thị trường bán lẻ để bù lỗ. Khách hàng vẫn đang mua nhiều thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa và doanh số bán hàng đang tăng lên. Vì vậy, nếu chiến dịch 12 tuần sử dụng phương tiện truyền thông và tiếp thị để khuyến khích nhiều người tiêu dùng mua và chế biến thủy sản tại nhà, thành công, biện pháp này có thể giúp ngành thủy sản.

Ngoài chiến dịch này, ngành thủy sản cũng đang mong đợi sự trợ giúp của Chính phủ. Cuối tháng 3/2020, các công ty thủy sản của Mỹ, bao gồm Trident, Pacific Seafoods, High liner, Cargill và Fortune International, đã đệ trình đề xuất lên Chính phủ để yêu cầu hỗ trợ. Liên minh đề nghị Chính phủ liên bang hỗ trợ 500 triệu USD để mua thủy sản dư thừa có thể tiêu thụ bằng cách vận chuyển ra nước ngoài hoặc cung cấp cho các tổ chức trong nước; tăng mức tài trợ của USDA ít nhất lên 2 tỷ USD để hỗ trợ chuỗi cung ứng thủy sản và cung cấp 1,5 tỷ USD cho Bộ Thương mại để cứu trợ ngành thủy sản tránh khỏi thảm họa.

Nếu các hành động cụ thể không được thực hiện ngay nhằm bảo vệ ngành thủy sản, những thiệt hại đối với ngành thủy sản là rất lớn. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng gây hại vĩnh viễn tới khả năng thu hoạch, nuôi trồng, chế biến và phân phối sản phẩm thủy sản của ngành.

Một gói viện trợ được phê duyệt vào cuối tháng 3/2020 bao gồm 300 triệu USD để giúp ngành thủy sản, nhưng nó ít hơn đáng kể so với những gì các công ty đã yêu cầu. Gói kích cầu sẽ hỗ trợ tiền mặt cho ngư dân, nhà chế biến và những người khác đang đối mặt với những thách thức kinh tế do Covid-19.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục