Nhật Bản phát hành Sách trắng về các biện pháp thúc đẩy nghề cá trong năm 2020

(vasep.com.vn) Nhật Bản mới phát hành sách trắng về thủy sản bao gồm các kế hoạch bao quát nhằm thúc đẩy ngành thủy sản và khai thác của quốc gia này với hy vọng đảo ngược xu hướng suy giảm hiện tại.

Ngành khai thác của Nhật Bản đã suy giảm trong một thời gian dài kể từ khi họ mất quyền tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ và giảm mạnh hạn ngạch đối với các vùng biển của Nga vào đầu những năm 1980. Những tổn thất này đã thúc đẩy việc giảm đội tàu hợp lý hóa do Chính phủ tài trợ. Cường lực đã được chuyển sang khai thác cá mòi ở vùng biển Nhật Bản, nhưng trữ lượng cá mòi suy giảm nhanh chóng và không thể trở lại mức cao như trước đó.

Số ngư dân tham gia khai thác cũng đang giảm. Để thúc đẩy việc làm và đảm bảo tính kế thừa đối với lực lượng lao động đang bị già hóa hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu nâng cao thu nhập của ngành thủy sản và tìm giải pháp để ngành này trở nên hấp dẫn hơn đối với lực lượng lao động trẻ tuổi.

Một phần của những nỗ lực này là cải thiện việc giám sát nghề cá. Để định lượng tốt hơn trữ lượng thủy sản, Chính phủ sẽ bắt đầu sử dụng vệ tinh và máy theo dõi nhiệt độ nước biển. Ngoài ra, để hướng tới dữ liệu thời gian thực, Cục Thủy sản Nhật Bản sẽ thiết lập các định dạng báo cáo dữ liệu điện tử được tiêu chuẩn hóa.

Một Trung tâm nghiên cứu nguồn lợi thủy sản mới được thành lập tại Cơ quan nghiên cứu và Phát triển quốc gia về nghiên cứu và Giáo dục thủy sản với mục đích tách biệt việc đánh giá nguồn lợi và việc hoạch định chính sách, nhằm mang lại tính khách quan và minh bạch hơn. Thông tin cũng sẽ được công bố dưới hình thức dễ hiểu hơn cho công chúng.

Cục Thủy sản dự định chuyển đổi việc quản lý 80% sản lượng khai thác sang hệ thống tổng sản lượng đánh bắt cho phép (TAC) vào năm 2023 và phân bổ TAC theo hạn ngạch cá nhân (IQ). Khi thực hiện kế hoạch quản lý nguồn lợi, Chính phủ sẽ sử dụng các khoản trợ cấp để ổn định thu nhập của ngư dân.

Sách trắng cũng bao gồm các kế hoạch mới về ngăn chặn khai thác bất hợp pháp - đặc biệt đối với hải sâm, một mặt hàng XK có giá trị. Chính phủ sẽ có kế hoạch ngăn chặn sản phẩm khai thác không có giấy tờ được phân phối đến thị trường hoặc XK.

Liên quan đến việc bảo tồn cá chình, một loài phổ biến khác có thể phải đối mặt với các vấn đề bảo tồn, Nhật Bản sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan để hạn chế sản lượng cá chình có thể được đưa vào các ao nuôi bên cạnh mục tiêu tạo ra một ràng buộc pháp lý quốc tế khuôn khổ.

Để đối phó với các thảm họa thường xuyên ví dụ như bão, một quỹ dự phòng sẽ được đóng góp bởi ngư dân và được sử dụng để duy trì thu nhập sau thảm họa hoặc giảm đánh bắt để phục hồi nguồn lợi. Các quỹ bổ sung sẽ có sẵn để bù cho thu nhập bị mất do dịch COVID-19.

Với tinh thần phòng chống thiên tai, thiết bị nhận dạng vệ tinh và quan sát tự động sẽ được sử dụng để dự báo sớm thủy triều đỏ, tránh thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản. Mối quan hệ của nồng độ các muối dinh dưỡng (nitơ, phốt phát...) với các nguồn tài nguyên biển cũng sẽ được điều tra và quản lý toàn diện hơn.

Đối với chuỗi cung ứng, để giải phóng thị trường các thay đổi đối với “Luật Thị trường Bán buôn” của Nhật Bản đã được thực hiện trong tháng 6/2020, tự do hóa một số quy tắc hạn chế hoạt động của các chợ bán buôn – ví dụ như cho phép đa dạng hóa hơn các mặt hàng được xử lý và dễ dàng chứng nhận đối với những người tham gia. Đây là một phần của nỗ lực nhằm ứng phó với tình trạng sụt giảm sản lượng tại các chợ, vì ngày càng có nhiều sản phẩm được bán trực tiếp từ nhà sản xuất đến các nhà bán lẻ lớn và chuỗi nhà hàng.

Tại các cảng cá lớn, nơi XK dự kiến ​​sẽ mở rộng, để giữ gìn vệ sinh và bảo quản chuỗi lạnh, Cục Thủy sản sẽ thúc đẩy sự phát triển tích hợp của các bến cảng, khu vực xử lý hàng hóa, cơ sở cấp đông và làm lạnh và cơ sở làm đá cần thiết cho việc thu gom và vận chuyển. Điều này nhằm đáp ứng các yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát chất lượng HACCP đối với hàng XK sang Mỹ và EU.

Cùng với việc sửa đổi Đạo luật Thủy sản đã được thông qua trong năm 2018, các công ty tư nhân sẽ có thể giành quyền tiếp cận các bãi nuôi trồng thủy sản vốn dành riêng cho các hợp tác xã thủy sản. Về mặt thực tiễn, cơ quan Kiểm ngư sẽ cố gắng giúp cả hai phía cùng hợp tác, kết hợp các công ty có vốn đầu tư với các hợp tác xã để hình thành liên doanh.

Kế hoạch tăng cường đa dạng giới tính tại các nơi làm việc cũng được đề cập. Phụ nữ sẽ được đào tạo và khuyến khích tham gia quản lý các hợp tác xã thủy sản. Hiện tại không có nữ giám đốc tại các trang trại. Phụ nữ sẽ được hỗ trợ học các kỹ năng quản lý cửa hàng, quán ăn và phát triển sản phẩm mới.

Sách trắng cũng đề cập đến giải pháp nhằm xử lý các loài du nhập và gây hại. Ở các vùng nước nội địa, số lượng chim cốc quá nhiều đã trở thành một mối nguy hại và Chính phủ đặt mục tiêu giảm số lượng chim cốc xuống một nửa. Đối với các loài cá ngoại lai hoặc du nhập (ví dụ như cá vược, cá mang xanh - bluegill) trong vùng nước nội địa, thuyền kích điện sẽ được triển khai để tiêu diệt các loài này.

Trong số các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), Cục Thủy sản sẽ phát triển các phân tích không phá hủy chất lượng ví dụ như hàm lượng chất béo và độ tươi và các phương pháp xác định nguồn gốc của thủy sản.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục