Mỹ: Doanh số bán lẻ thủy sản tăng vọt

(vasep.com.vn) Doanh số bán lẻ các loại sản phẩm thủy sản tươi, đông lạnh và thủy sản có thể bảo quản lâu (shelf-stable) đều tăng mạnh tại các chuỗi siêu thị của Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.

Trong khi đó lĩnh vực nhà hàng đang phải chịu những tổn thất chưa từng có do lượng khách ăn tại quán giảm và yêu cầu đóng cửa để đảm bảo an toàn. Những nhà bán lẻ là những người được hưởng lợi khi người tiêu dùng tăng mua hàng dự trữ với lo ngại dịch bệnh.

Các nhà cung cấp sản phẩm thủy sản có thời hạn bảo quản lâu như thủy sản đóng hộp và thủy sản đóng túi  được hưởng lợi nhất trong việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tổng doanh thu thủy sản đóng hộp bảo quản lâu (từ ngày 2/3/2020 đến ngày 7/3/2020) đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu thủy sản bảo quản lâu (từ ngày 17/2-7/3/2020) cũng tăng 5,7%, đạt khoảng 19 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Tính từ ngày 2/3/2020-7/3/2020, mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong số các sản phẩm thủy sản đóng hộp và đóng gói là cá cơm đóng hộp và cá mòi (tăng 35,6%); cá thu đóng hộp tăng 33,5%; cá hồi tăng 30,8 %; và cá ngừ tăng 32,7%.

Doanh số thủy sản đông lạnh và thủy sản tươi cũng đang tăng mạnh. Doanh số bán cá tươi tăng 4,3% đạt 124 triệu USD (từ ngày 2/3-7/3/2020) và tăng 10,4% trong khoảng thời gian (17/2/2020-7/3/2020) lên khoảng 478 triệu USD.

Tính từ ngày 2/3/2020-7/3/2020, doanh số của cá heo nục (mahi mahi) tăng mạnh 62,5%. Doanh số của tôm sông, cá bơn, cá hồi và sò điệp cũng đạt mức tăng trưởng tốt trong tuần.

Thủy sản đông lạnh tăng 3,5% đạt 1,1 tỷ USD (tính từ ngày 2/3/2020-7/3/2020) và tăng 4,9% (tính từ ngày 7/2/2020-7/3/2020).

Một người tiêu dùng Mỹ đã chi trung bình 178,44 USD cho các nguồn cung cấp để đối phó với dịch bệnh từ thực phẩm, cồn, thuốc và các sản phẩm khử trùng.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng vọt, các siêu thị ở Mỹ đang chuyển các nhân viên từ quầy thủy sản sang các kệ hàng khác.

Phát ngôn viên Erin Rolfes của Kroger cho biết chuỗi cửa hàng tạp hóa có trụ sở tại Cincinnati, Ohio đang đóng cửa tất cả các quầy thịt và thủy sản cũng như các quán salad.

Theo Erin, vấn đề đóng quầy hàng không phải do lo ngại về việc truyền bệnh ... tất cả chỉ là phân bổ lại nguồn lực để đảm bảo các kệ hàng đều có sản phẩm.

Sainsbury, có trụ sở tại Vương quốc Anh đã thực hiện một động thái tương tự. Công ty này sẽ ngừng hoạt động tất cả các quầy cá trong cửa hàng của mình để nhân viên có thể được triển khai lại để đảm bảo các quầy hàng đều có sản phẩm.

Các nhà phân phối và nhà cung cấp chuyển hướng sang thị trường bán lẻ khi lợi nhuận nhà hàng sụt giảm

Các nhà phân phối dịch vụ thực phẩm và nhà cung cấp thủy sản của Mỹ đang chuyển hướng sang thị trường bán lẻ khi doanh số thu được từ hoạt động kinh doanh nhà hàng đã giảm mạnh. Nhiều nhà hàng buộc phải chuyển sang hoạt động bán mang đi hoặc đóng cửa hoàn toàn.

Nhà điều hành nhà hàng Darden có trụ sở tại Orlando, Florida sở hữu các chuỗi nhà hàng như Longhorn Steakhouse, Olive Garden, Bahama Breeze và Capital Grille, cho biết doanh số bán hàng của các chuỗi nhà hàng này trong tuần đã giảm 60%. Vào ngày 20/3/2020, Darden cho biết sẽ đóng cửa tất cả 1.800 nhà hàng của mình trên khắp nước Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục vận hành hai hình thức giao hàng và bán mang đi với khoảng 6-10 nhân viên/ca. Trong tuần tài chính thứ 3 (kết thúc vào ngày 15/3/2020), doanh số của Olive Garden giảm 18,7%, doanh số của Longhorn Steakhouse giảm 15,9% và doanh thu trong lĩnh vực ăn uống cao cấp - bao gồm The Capital Grille - giảm gần 28%.

Cheesecake Factory Calabasas Hills, có trụ sở tại California cho biết chuỗi nhà hàng này đang rút hướng dẫn năm tài chính 2020 và bảo đảm cấp thêm 90 triệu USD cho cơ sở tín dụng quay vòng của mình. Trong số gần 300 nhà hàng của chuỗi, 27 nhà hàng đã đóng cửa, trong khi các nhà hàng khác đã chuyển sang mô hình hoạt động phân phối mua về nhà (off-premise).

Chuỗi nhà hàng Cheesecake Factory có một nhà hàng hoạt động lâu năm trong kênh phân phối mua về nhà với doanh số bán hàng tiệm cận với quy mô của nhiều nhà hàng độc lập, cho phép các nhà hàng của công ty hoạt động bền vững theo mô hình này.

Để giảm bớt tác động kinh tế chưa từng có đối với ngành dịch vụ thực phẩm, Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ và Hiệp hội Nhà phân phối Dịch vụ Thực phẩm Quốc tế đang yêu cầu sự giúp từ Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sắp xảy ra đối với ngành dịch vụ thực phẩm của Mỹ.

Dự báo kinh tế bước đầu cho thấy ngành dịch vụ thực phẩm sẽ chịu tổn thất ít nhất 225 tỷ USD do dịch Covid-19 và sẽ mất khoảng 5-7 triệu việc làm trong vòng 3 tháng tới. IFDA dự báo ngành dịch vụ thực phẩm sẽ mất 24 tỷ USD trong 3 tháng tới khi đại dịch Covid-19 buộc các nhà hàng, trường học và khách sạn phải đóng cửa.

Nhà phân phối dịch vụ thực phẩm Sysco, gần đây đã rút 1,5 tỷ USD (1,4 tỷ EUR) cho cơ sở tín dụng quay vòng của mình, đang tích cực theo đuổi các nguồn doanh thu mới bằng cách tận dụng kinh nghiệm trong chuỗi cung ứng của mình để cung cấp dịch vụ cho ngành tạp hóa bán lẻ.

Phương pháp kinh doanh mới này sẽ giúp giảm bớt sự sụt giảm trong phân khúc cung cấp các bữa ăn và đồ ăn nhẹ (Food away from home) và cũng giúp công ty tận dụng tốt các cơ hội tăng trưởng sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 qua đi.

Netuno USA có trụ sở tại Florida, công ty cung cấp thủy sản đông lạnh chủ yếu cho lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, hiện đang hợp tác với Sysco, các nhà phân phối và bán lẻ dịch vụ thực phẩm khác để cung cấp philê cá đông lạnh, cá nguyên con và các loại thủy sản khác cho kênh tạp hóa.

Netuno đang đóng gói lại các sản phẩm thủy sản của mình, các sản phẩm thường dành cho các khách hàng dịch vụ thực phẩm – cho các tủ đông ở các cửa hàng tạp hóa của Mỹ.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục