Một số kết quả trong cải cách nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc

(vasep.com.vn) Trong năm 2019, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc tăng một điểm phần trăm, một con số bất ngờ so với mức tăng trưởng mà quốc gia này đã ghi nhận trong những năm trước. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc chuyển sang các hoạt động đem lại sản phẩm chất lượng cao hơn và hạn chế ô nhiễm.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã thẳng tay trừng trị các cơ sở nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm vì quốc gia này đã tìm cách thiết lập một kế hoạch quản lý quốc gia thống nhất cho các bãi bồi để bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên và nguồn cung nước. Trung Quốc đã hoàn thành việc này với các nhóm điều tra viên, những người đã được cử đi khắp Trung Quốc để ngăn chặn các quan chức địa phương bảo hộ, những người thường không ủng hộ chính sách quốc gia nếu chính sách đó làm tổn hại đến tăng trưởng GDP của địa phương.

Hiện tại, những nỗ lực này đang được hỗ trợ bởi các tập đoàn có khả năng tài chính dồi dào, những người đang tìm cách chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này. Một loạt các khoản đầu tư gần đây vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và thức ăn của Trung Quốc dường như cho thấy sự tăng tốc trong việc hướng tới các sản phẩm cao cấp hơn, cũng như nhấn mạnh hơn vào sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng trong nuôi trồng thủy sản với khối lượng lớn.

Tập đoàn Quảng Đông Qiang Jing gần đây đã công bố một khoản đầu tư mới trị giá 250 triệu CNY (37,5 triệu USD) vào một dự án nuôi trồng và chế biến cá chẽm ở Chu Hải, giáp ranh với Ma Cao, một trong những thành phố có GDP/người và thu nhập cao nhất Trung Quốc. Tập đoàn này trước đây đã cấp vốn cho vòng tài trợ đầu tiên của dự án cùng với Công ty quản lý quỹ đầu tư Yue Nong Quảng Đông.

Doanh nghiệp liên doanh này hoạt động với một khẩu hiệu của Quỹ đầu tư cổ phần Quảng Đông Ao Nong Qiang Jing. Hiện tại họ đang xây dựng một trung tâm chế biến hải sản công suất 2.000 tấn và trung tâm kho với công suất 100.000 tấn trong khu nông nghiệp sinh thái Qiang Jing, nơi sẽ nuôi cá chẽm “sinh thái” thương hiệu Bai Jiao. Để hỗ trợ cho dự án, Quảng Đông Qian Jing tuyên bố họ đã chi 800 triệu CNY (120 triệu USD) cho một đơn đặt hàng tủ đông và dụng cụ đóng gói Thermo King từ Thụy Điển.

Các công ty như Quảng Đông Qiang Jing đang định vị thương hiệu để tận dụng sự thay đổi toàn quốc để sản xuất và tiêu thụ các loại thủy sản cao cấp. Trong nhiều trường hợp, các công ty thức ăn chăn nuôi như Qiang Jing đang giới thiệu các giống mới và phương pháp sản xuất cho nông dân. Công ty này cho biết, vòng tròn phát triển này sẽ giúp công ty thoát khỏi vòng xoáy của các cuộc cạnh tranh dựa theo giá ở thị trường cấp thấp. Phương châm của công ty là “Chúng tôi muốn hướng dẫn nhiều nông dân trở nên giàu có hơn”, đây cũng là mục tiêu chính trong sứ mệnh xây dựng mạng lưới phân phối toàn quốc đối với các loại thực phẩm có giá trị cao.

Trong một dự án riêng biệt, Aohua sẽ chuyển đổi và nâng cấp lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở miền Trung Trung Quốc, theo ông Yang Mengbo, Tổng giám đốc của công ty. Đã có sự thay thế cá trắm cỏ bằng cá da trơn, công ty cũng đã đáp lại bằng cách nuôi thêm cá chẽm ở tỉnh Hồ Bắc trong năm 2019. Chúng tôi nhận thấy chăn nuôi được chuyên môn hóa hơn. Chúng tôi muốn giới thiệu cá đù vàng (yellow croaker) tới miền Trung Trung Quốc. Người tiêu dùng mới muốn tiêu thụ các sản phẩm ít xương và dễ chế biến hơn.

Tập đoàn nông nghiệp New Hope Liuhe - một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Trung Quốc - cũng đang thực hiện sự thay đổi khi tập đoàn này mở nhà máy sản xuất thức ăn công nghệ sinh học lớn nhất và hiện đại nhất của Quảng Đông, cung cấp thức ăn cao cấp và vitamin cho lĩnh vực giáp xác nội địa, theo tuyên bố của tập đoàn này.

Trong một dự án tương tự khác, Tập đoàn Hồ Nam Kun Yuan mới đây đã tổ chức lễ khởi công cho một dự án liên doanh với Guilian Tianke Biotechnogy để bắt đầu sản xuất các sản phẩm thú y cho ngành nuôi trồng thủy sản. Cơ sở sản xuất của công ty sẽ sản xuất kháng sinh cũng như các sản phẩm dinh dưỡng. Guilian Tianke được thành lập vào năm 2016 bởi nhà khoa học và doanh nhân Ma Xiao.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản tập trung vào các loài cao cấp có vẻ sẽ thu hút đầu tư tư nhân đáng kể trong những năm tới tại Trung Quốc. Ngược lại, các nhà sản xuất cá rô phi đang chịu tổn thất nghiêm trọng với giá ở mức thấp trong 3 năm. Giá cá rô phi trung bình mà các nhà máy chế biến thu mua trong tháng 3/2020 là 3,70 CNY (0,55 USD)/500 gram, giảm từ mức 4,00 CNY (0,60 USD)/ 500gram trong cùng kỳ năm 2019 và từ mức 4,30 CNY (0,65 USD)/500 gram so với cùng thời điểm năm 2018.

Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn cho các nhà sản xuất cá chép. Một cuộc khảo sát về giá bán buôn ở miền Trung và miền Bắc Trung Quốc vào giữa tháng 1/2020 cho thấy cá trắm cỏ được bán ở mức trung bình 4,10 CNY (0,61 USD)/500gram đối với cá có trọng lượng 1,5 kg và thấp nhất ở mức 3,80 CNY (0,57 USD) đối với cá có trọng lượng 500 gram. Mức hòa vốn được tính toán ở mức 4,00 CNY (0,60 USD)/ 500 gram. Cá có trọng lượng lớn hơn có giá 5,00 CNY (0,75 USD)/500 gram. Tất cả giá đều tương đương so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, cá chim được bán ở mức 13,10 CNY (1,96 USD)/500 gram, tăng 0,60 CNY (0,09 USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, dường như cũng có những cơ hội cho các công ty gia tăng giá trị cho các loài phổ biến hơn ở Trung Quốc. Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tongwei gần đây đã nhận giải thưởng khoa học quốc gia cho công ty với công trình cải thiện chất lượng thịt trong cá chép. Thông qua nghiên cứu của mình, Tongwei tuyên bố họ đã giúp cứu nguy 84% tỷ lệ tử vong trên cá chép, đồng thời giảm 73% chi phí cho bệnh tật và thuốc. Công ty hợp tác với Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên và 2 công ty công nghệ sinh học tư nhân cũng như nhiều Văn phòng tỉnh (như Trung tâm nghiên cứu thú y tỉnh Tứ Xuyên) hiện bán sản phẩm của mình thông qua 45 công ty con tại 16 tỉnh của Trung Quốc.

Nỗ lực cải thiện các hoạt động nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ tập trung vào các loài giá trị có thể được tăng cường sau khi có những bất đồng quan điểm giữa các quan chức quốc gia và địa phương về quy mô và tốc độ của việc đóng cửa các cơ sở nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ. Một quan chức ở Trùng Khánh đang tìm cách ngăn chặn một yêu cầu đóng cửa và yêu cầu nhấn mạnh hơn vào vấn đề nuôi trồng thủy sản được sử dụng như một công cụ để cải thiện tính bền vững.

Bộ trưởng Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, Li Ganjie hứa với Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc rằng Bộ Sinh thái và Môi trường sẽ chấm dứt việc tự ý đóng cửa các cơ sở nuôi trồng thủy sản và tiến tới trao quyền quyết định cho chính quyền địa phương về việc có nên đóng cửa hay tìm cách khắc phục các hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Cao Jian Ming cho biết các cơ sở nuôi trồng thủy sản mật độ cao là nguồn gây ô nhiễm chính và thúc giục cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học đối với việc giảm tác hại của nuôi trồng thủy sản đối với môi trường. Cách tiếp cận này có thể bao gồm việc sử dụng nuôi trồng thủy sản như một công cụ để phục hồi các vùng nước bị ô nhiễm. Ông Cao chỉ ra kinh nghiệm sử dụng cá da trơn để “làm sạch” nước ở các hồ nước ngọt quan trọng của Trung Quốc như hồ Poyang và hồ Taihu.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục