Doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc đề nghị trợ cấp tàu cá xa bờ

(vasep.com.vn) Cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc (NPC) đang diễn ra (bắt đầu từ ngày 22/5/2020) đã bị chi phối bởi các cuộc thảo luận về tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội nghị của ngành thủy sản đã yêu cầu sự ủng hộ các thỏa thuận và các hỗ trợ cho nghề cá và nuôi trồng thủy sản.

Xia Yong Xiang, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Đại Sơn ở Đại Sơn, đô thị ven biển phía đông của Chu San, nơi có truyền thống là cảng cá lớn nhất của Trung Quốc - đã đề xuất các khoản trợ cấp của Chính phủ tập trung vào các tàu cá Trung Quốc hoạt động ở Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – điều này sẽ giúp công ty của Xia, vì phần lớn trong số 600 tàu của họ đang hoạt động trên các vùng biển này.

Các công ty đánh bắt ở các vùng biển xa của Trung Quốc nhận được ưu đãi thuế và trợ cấp nhiên liệu, xây dựng cảng và cải hoán tàu - tất cả các lợi ích này không được áp dụng cho ngành nuôi trồng thủy sản. Trong khi ở Trung Quốc, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đã hạn chế khả năng chi tiêu của đất nước. Tuy nhiên, Xia đã biện hộ việc giảm thuế cho các tàu khai thác ở các vùng biển xa, theo đó bất kỳ tàu cá nào thuộc sở hữu của Trung Quốc ở vùng biển quốc tế đều được phép NK vào Trung Quốc với điều kiện được miễn thuế NK hoặc thuế VAT.

Chủ tịch Công ty khai thác Fuzhou Hong Dong Yuan Yang, Lan Ping Zhong, một đại biểu thường xuyên tại NPC, cũng đã kêu gọi Trung Quốc tăng trợ cấp cho tàu cá khai thác ở các vùng biển xa. Ông cũng yêu cầu Chính phủ thành lập một nhóm các nhà đàm phán để đại diện cho Trung Quốc trong các hiệp ước và hiệp định nghề cá toàn cầu, khu vực và quốc gia. Ngoài ra, Lan yêu cầu Trung Quốc sửa đổi Luật Thủy sản, được thông qua vào năm 1986, nhằm làm rõ vị trí của nhân viên nước ngoài trong các công ty đánh bắt thủy sản thuộc sở hữu của Trung Quốc với đội tàu trong vùng biển quốc tế.

Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế Trung Quốc đã được cải thiện, các công ty khai thác tại các vùng biển xa của Trung Quốc đã phải vật lộn để hoàn thiện đội ngũ nhân viên cho các tàu của họ. Tăng lương và tuyển dụng từ các nhà tù và cơ sở giam giữ chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, vì vậy các công ty đã thuê nhân công ở các quốc gia nơi họ có cơ sở hoạt động.

“Chúng tôi cần phải chính quy hóa và xác định vai trò và quản lý người lao động nước ngoài trong Luật Thủy sản”, Lan cho biết.

Xác định đội tàu khai thác ở các vùng biển xa của Trung Quốc là một công cụ chính sách chiến lược đã trở thành chủ đề chính trong các tuyên bố của Lan tại NPC hàng năm. Công ty của Lan đang điều hành một dự án chế biến thủy sản và bột cá lớn ở Mauritania và có tham vọng đầu tư hơn nữa vào nghề cá trên khắp Tây Phi và Mỹ Latinh.

Khai thác ở những vùng biển xa là một “ngành công nghiệp chiến lược”, Lan tuyên bố với truyền thông trong cuộc họp của NPC. Đây là chìa khóa để bảo vệ các quyền hàng hải của Trung Quốc và làm phong phú thị trường nội địa.

Liu Han Yuan, Chủ tịch Tập đoàn Tongwei, một công ty lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc, đồng thời là công ty nuôi và chế biến cá rô phi, cũng tham dự hội nghị tại NPC đang tìm cách gây ảnh hưởng lên các cơ quan của Chính phủ để ủng hộ lĩnh vực của mình với việc thay đổi luật pháp. Các sản phẩm nuôi trồng thủy sản được nuôi tại địa phương đang bị áp thuế VAT 10%, mức thuế đối với động vật sống, vì phần lớn hải sản Trung Quốc được bán trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ và chợ, Liu giải thích với các thành viên Đảng Cộng sản tại NPC.

Tuy nhiên, nhiều công ty trong số các công ty chế biến thịt lợn và gia cầm lớn không bị áp thuế, vì họ giết mổ sản phẩm của họ, theo Liu. Ông kêu gọi đối xử công bằng cho ngành nuôi trồng thủy sản thông qua cải cách thuế. Liu hy vọng các công ty nuôi trồng thủy sản được phép yêu cầu các khoản chi phí phát sinh bên ngoài tỉnh của các công ty này so với tổng hóa đơn thuế của họ.

Một đại biểu NPC khác, Chen Ying Yu, đại diện của một công ty con của China Telecoms thuộc sở hữu nhà nước ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, kêu gọi kiểm soát hàng hải tốt hơn để ngăn chặn thiệt hại cho hệ thống cáp quang dưới đáy đại dương. Tại cuộc họp của NPC, Chen cho biết việc dùng lưới kéo khai thác bất hợp pháp đang góp phần phá hủy các kết nối internet của Trung Quốc. Chen liệt kê chi tiết 43 trường hợp cáp dưới đáy biển bị đứt bởi các tàu cá xâm phạm vào “các khu vực bảo vệ cáp quang”. Ông yêu cầu sửa đổi Luật Thủy sản để Bộ Nông nghiệp có thể kiểm soát và trừng phạt các công ty khai thác do phá hủy các dây cáp dưới nước.

Chen cho biết sự thay đổi này sẽ vì lợi ích quốc phòng do thiệt hại đối với các dây cáp gây tổn hại đến khả năng kết nối với các đảo ngoài khơi và các cơ sở quân sự của Trung Quốc. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục