Dịch COVID-19 góp phần thúc đẩy hợp nhất các công ty của Trung Quốc

(vasep.com.vn) Theo Didier Boon, Giám đốc điều hành của công ty thương mại East China Seas có trụ sở tại Bắc Kinh, sự sụt giảm nhu cầu thủy sản ở Trung Quốc do dịch COVID-19 có thể dẫn đến sự thay đổi phân phối thủy sản của Trung Quốc để chuyển sang các công ty thương mại lớn thuộc sở hữu nhà nước.

Công ty của Boon, NK thủy sản Mỹ Latinh vào Trung Quốc và vận chuyển sản phẩm từ Trung Quốc sang các thị trường châu Âu, không thể cạnh tranh với các công ty lớn của Trung Quốc, những công ty dựa vào quy mô và mối quan hệ chính trị để giành lợi thế trên thị trường, Boon nói. Những lợi thế đó càng được nâng cao khi Hải quan Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm tra thủy sản NK.

NK thủy sản đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thấp hơn cũng như các biện pháp kiểm soát mới của Trung Quốc liên quan đến lo ngại đóng gói thủy sản được coi là điểm lây nhiễm COVID-19. Theo số liệu NK từ Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2020, NK cá hồi sang Trung Quốc giảm 28% với thiệt hại nặng nề nhất xảy ra vào tháng 6/2020, sau khi báo cáo phát hiện ra coronavirus trên thớt cá hồi tại chợ đầu mối Xinfadi ở Bắc Kinh.

Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, NK cá hồi Chile vào Trung Quốc giảm 77% so với cùng kỳ năm 2019 trong 3 quý đầu năm 2020, khiến XK của Chile gặp bất lợi so với Na Uy.

Nhưng việc công ty hàng đầu về cá hồi của Chile là Australis Seafood được sở hữu bởi một công ty lớn của Trung Quốc có thể nâng cao vị thế của cá hồi Chile.

Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Joyvio là công ty con của Legend Holdings, công ty có cổ đông lớn nhất là một doanh nghiệp nhà nước. Tuần trước, Legend Holdings đã đầu tư 416 triệu CNY (62 triệu USD) vào Joyvio, công ty sở hữu công ty nuôi cá hồi Chile Australis Seafood.

Joyvio đã tuyên bố dự định tăng sản lượng tại Australis từ 60.000 lên 100.000 tấn mỗi năm. Năm 2017, Joyvio mở rộng trọng tâm từ trái cây sang thủy sản sau khi tung ra nhãn hiệu thủy sản đóng gói, NK của riêng mình.

Thuộc sở hữu của Legend Holdings, Joyvio đã mua lại công ty NK, chế biến và phân phối thủy sản Guo Xing Hai và tung ra thương hiệu “Tian Ran Zhu Yi” (nghĩa đen là “Niềm tin thiên nhiên”) để bán cá hồi, cá tuyết và tôm từ khắp nơi trên thế giới. Vào thời điểm đó, Giám đốc điều hành, Tang Jie cho biết ông bị thu hút bởi tiềm năng lợi nhuận của “các thương hiệu cao cấp” trong lĩnh vực thủy sản.

Joyvio là một trong nhiều công ty đầu tư vào lĩnh vực phân phối thủy sản trong những năm gần đây, bị thu hút bởi những hứa hẹn về tỷ suất lợi nhuận. Giờ đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp NK thủy sản của Trung Quốc sẽ ít hơn vì theo dự đoán của Boon, nhiều nhà NK nhỏ hơn sẽ từ bỏ hoạt động kinh doanh NK.

Ông nói: “Nhưng đó không phải do hậu quả trực tiếp của dịch COVID-19, mà là hậu quả của các biện pháp tự nguyện của Trung Quốc nhằm hạn chế NK thông qua hàng rào phi thuế quan - chủ yếu là tăng cường kiểm soát đối với bất kỳ mặt hàng nào biện minh cho việc hàng hóa bị trả lại.

Tuy nhiên, nhu cầu NK của Trung Quốc sẽ không bị hạn chế, theo Boon.

Ông nói: “NK trong trung và dài hạn sẽ tiếp tục tăng lên không ngừng nhưng sẽ tập trung hơn vào một số ít công ty, có thể là các công ty nhà nước, thường có đặc quyền nhận được các khoản vay không lãi suất và không bị trừng phạt.

Theo Boon, các doanh nghiệp nhà nước đã được khuyến khích mua lại hoặc đầu tư vào các công ty tư nhân dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Tác động của dịch COVID-19 như là một tác nhân giúp hợp nhất các công ty đã được Zhou Hei Ya, một nhà phân phối tôm càng và đồ ăn nhẹ của Trung Quốc nêu ra trong một báo cáo. Báo cáo của công ty đã chỉ ra cách “Dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình hợp nhất trong ngành bằng cách loại bỏ các công ty siêu nhỏ, nhỏ đến vừa, khiến các công ty đầu ngành tăng thêm thị phần, mở rộng thêm các nguồn lực cũng như có được nhân tài quản lý và vận hành".

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục