Sáng ngày 18 tháng 9 năm 2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật lao động: Những tác động bất lợi tới nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức với sự tham gia của đông đảo của các Cơ quan Bộ, ban ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp, các Tổ chức quốc tế, Viện nghiên cứu, các chuyên gia và nhiều cơ quan thông tấn báo chí.
Bộ Luật Lao động là một bộ luật gốc, có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều đối tượng và đặc biệt là đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tính cạnh cạnh tranh của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới, đang trong quá trình được sửa đổi và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động từ Bộ Luật này. Trong bối cảnh xây dựng Bộ luật lao động mới, rất nhiều các quy định đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi cho người lao động và phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua những hiệp định tự do song phương và đa phương mà gần đây Việt Nam đã tham gia ký kết. Điều này cho thấy nỗ lực của ban soạn thảo trong việc xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, hội nhập với xu thế phát triển quốc tế của Việt Nam và đây là một nhu cầu xác đáng.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, ở một phương diện khác thì cần xem xét thấu đáo vị trí kinh tế hay chính là năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với khu vực và thế giới, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp góp phần đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Trong số các quy định mới của Dự thảo, có thể kể đến một số quy định tiêu biểu mà nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói chung cũng như lợi ích của người lao động và doanh nghiệp nói riêng là: không thay đổi về trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn. Một ví dụ cụ thể đối với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam quản lý hàng trăm nghìn lao động, nhưng với xu hướng giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm có thể khiến một tháng Samsung mất thêm 2 triệu USD và một năm mất hơn 20 triệu USD, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất. Khi áp lực quá lớn từ những quy định đó, doanh nghiệp sẽ có khả năng chuyển nhà máy sang quốc gia khác khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giảm đi, kéo theo các chuỗi doanh nghiệp cung ứng cho Samsung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng để duy trì hoạt động.
Tham luận tại Hội thảo, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng xét trên các tiêu chí: không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, tư duy lạc hậu, làm tổn hại năng lực cạnh tranh quốc gia thì Bộ luật Lao động sửa đổi đạt giải quán quân. Ông cho rằng, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có quan điểm can thiệp quá sâu và thô bạo vào mối quan hệ lao động. Đó là việc nhìn nhận mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là mối quan hệ xung đột. Trong khi mối quan hệ lao động này nếu nhìn nhận trên góc độ phát triển kinh tế thì phải là mối quan hệ cộng sinh. Đi từ xuất phát điểm chưa đúng, dẫn đến những quy định của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn còn nhiều bất cập và có nguy cơ gây xung đột trong nhiều mối quan hệ lao động mà bộ luật điều chỉnh.
Những vấn đề về thời giờ làm việc tiêu chuẩn, về thời giờ làm thêm và cách tính lương làm thêm giờ đã được nhiều đại biểu chỉ ra những điểm chưa phù hợp. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang ở thứ hạng thấp theo số liệu tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Thời giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là tương đương với các quốc gia có cùng trình độ phát triển như Lào, Campuchia, thậm chí những quốc gia phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Maylasia vẫn duy trì 48 giờ/tuần. Giờ làm việc ở trong khoảng 40 – 44 giờ/tuần đa phần chỉ thuộc các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Singapore.
Đưa ra quan điểm về những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cũng đưa ra bốn vấn đề cần đánh giá khi xem xét điều chỉnh Bộ luật Lao động. Đó là, cần có đánh giá tác động về mặt chính sách trước khi làm luật, bao gồm đánh giá về mặt kinh tế, xã hội, về bình đẳng giới và về hệ thống pháp luật. Điều này, chưa được thể hiện rõ ràng trong tờ trình chính sách.
Về thời giờ làm thêm, theo TS. Nguyễn Thị Hồng, Trường Đại học Lao động - Xã hội thì chỉ nên quy định giờ làm việc tiêu chuẩn theo tuần và thời gian làm thêm tối đa theo năm. Việc quy định giờ làm việc tiêu chuẩn theo ngày, hoặc giờ làm thêm theo ngày là chưa phù hợp và không đáp ứng được yêu cầu thực tế của sản xuất kinh doanh, cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đến từ một doanh nghiệp may có đông lao động, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sông Hồng, đã có những phát biểu rất tâm huyết: "Quan hệ giữa giới chủ và với công nhân hiện nay là mối quan hệ hữu cơ, không thể đối lập hay tách rời, ngoài công việc còn là tình thương yêu đồng loại, thương yêu con người rất sâu đậm nữa", và: "Không ai có thể quyết định thay cho sự sinh tồn của giới chủ cũng như của người lao động bằng chính họ". Vì vậy, "người lao động sẽ tìm được giá trị và những nhu cầu cuộc sống của mình thông qua giới chủ, thông qua doanh nghiệp, nơi họ làm việc bởi rất nhiều người lao động trực tiếp đồng thời cũng là cổ đông của doanh nghiệp nữa. Họ đóng vai trò vừa là chủ, vừa là người lao động".
Bình luận về thời gian làm việc tiêu chuẩn 44 hay 48 giờ một tuần, ông Bùi Đức Thịnh đã nêu một thực tế, theo lý luận thì người lao động được nghỉ ngơi nhiều sẽ tái tạo sức lao động để làm việc hiệu quả hơn, nhưng theo ông thì "có mấy ai được nghỉ ngơi sau giờ làm việc ở cơ quan đâu, để rồi chỉ có việc ăn chơi để tái tạo sức lao động". Khá nhiều công nhân, người lao động, hết giờ làm việc ở nhà máy, lại ra ngoài, bươn chải rất nhiều nghề để kiếm sống mà lại không được trả lương thêm giờ và còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về an toàn lao động và nhiều chế độ khác mà người lao động làm thêm giờ không thực sự được hưởng.
Ông Thịnh nhấn mạnh: "Được làm việc, có việc để làm đủ trong giờ, được thể hiện năng lực trong công việc để thu nhận được những giá trị vật chất, tinh thần hợp lý và xứng đáng là một nhu cầu, là nguyện vọng chính đáng không chỉ riêng với người lao động mà còn là điều rất hạnh phúc với giới chủ nữa". Và ông kết luận: "Xin hãy để cho doanh nghiệp và người lao động làm đủ 48 tiếng mỗi tuẫn, đừng tranh luận gì thêm nữa".
Với nhiều ý kiến từ góc độ chuyên gia và doanh nghiệp, xuất phát từ “lợi ích quốc gia” với mục tiêu quan trọng hàng đầu là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, một số các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới cần phải được xem xét và tính toán kỹ lưỡng, hợp lý trước khi chính thức được trình tại Quốc hội và được các đại biểu bấm nút thông qua vào tháng 10 năm 2019.
(Theo vietnet24h)