Cơ hội mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam

Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng để tiếp cận thị trường xuất khẩu Halal toàn cầu với giá trị dự kiến đạt 4.500 tỷ USD năm 2030. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng sản xuất các sản phẩm Halal trị giá khoảng 34 tỷ USD cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhờ cơ sở nông nghiệp đa dạng và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển.

Chú thích ảnh

Nỗ lực thúc đẩy Chứng Chỉ Halal Việt Nam

Thời gian qua Việt Nam đã có những bước tiến trong tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp, tuy nhiên cơ sở hạ tầng cấp chứng nhận Halal còn đi sau một số quốc gia trong khu vực. Việt Nam thiếu một hệ thống chứng nhận Halal chuẩn hóa và được công nhận rộng rãi, nguyên nhân một phần là do nhu cầu trong nước về các sản phẩm được chứng nhận Halal tại Việt Nam chưa cao.

Trước nhu cầu đẩy mạnh tiếp cận thị trường Halal quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động về chứng nhận Halal. Trung tâm HALCERT mới thành lập có chức năng giám sát các hoạt động chứng nhận Halal của Việt Nam; thúc đẩy trao đổi, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal. Hiện có khoảng 50 công ty tại Việt Nam đã nhận được chứng nhận Halal, với các sản phẩm chính là thủy sản, đồ uống và bánh kẹo.

Tiềm năng xuất khẩu Halal của Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng lớn để khai thác ngành công nghiệp thực phẩm Halal toàn cầu. Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Một số công ty Việt Nam đã thâm nhập thị trường Halal, trong đó tập đoàn thủy sản Minh Phú, một trong những nhà sản xuất tôm lớn nhất Việt Nam, đã tăng lượng hàng xuất khẩu sang các nước Hồi giáo sau khi nhận được chứng nhận Halal. Tương tự, công ty sữa lớn nhất Việt Nam Vinamilk đã mở rộng danh mục sản phẩm được cấp chứng nhận Halal nhằm tiếp cận các thị trường mới ở Trung Đông và Đông Nam Á

Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác với các cơ quan chứng nhận Halal quốc tế và các nước OIC để đảm bảo các sản phẩm Halal của mình đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Vừa qua Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận với các cơ quan Halal của Malaysia và Indonesia về công nhận lẫn nhau tiêu chuẩn chứng nhận Halal, giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường.

Cơ hội của Việt Nam tại thị trường Halal khu vực

Đông Nam Á có tiềm năng trở thành thị trường Halal quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam. Trong đó, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới Indonesia có dung lượng hơn 200 tỷ USD. Vị trí địa lý gần gũi với Indonesia giúp Việt Nam có lợi thế trong việc tiếp cận thị trường này với nhiều mặt hàng và lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang và du lịch.

Khi thâm nhập thị trường Halal Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các quy định mới nhất về sản phẩm Halal của nước này. Vừa qua, Chính phủ Indonesia đã ban hành Luật Bảo đảm Sản phẩm Halal (Luật số 39 năm 2021), quy định danh mục các hàng hóa và dịch vụ cần có chứng chỉ Halal. Bên cạnh thực phẩm và đồ uống, luật này còn quy định các lĩnh vực tiêu dùng như mỹ phẩm, thuốc, vật tư và thiết bị y tế, quần áo, văn phòng phẩm và thiết bị gia dụng. Theo quy định, các sản phẩm phải có chứng nhận Halal trong khoảng thời gian từ tháng 10/2024 đến tháng 10/2034.

(Theo ĐSQ Việt Nam tại Brunei Darussalam)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục