(vasep.com.vn) Yếu tố thị trường đang chi phối giá XK và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, trong khi cạnh tranh các nguồn cung lại tăng, nên giá XK đi hầu hết các thị trường đều giảm. Trong tháng gần đây nhất là tháng 5, tôm là mặt hàng bị tác động giảm giá rõ rệt nhất, nên XK đã giảm 2,3%, trong đó riêng tôm chân trắng giảm 7%, tôm sú giảm 6%. Các sản phẩm khác như chả cá, surimi cũng bị áp lực cạnh tranh về giá nên giảm sâu 25% trong tháng 5 và lũy kế 5 tháng đầu năm giảm 15%.
Dưới đây là phỏng vấn ngắn với bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của VASEP:
PV: Thưa bà, vài tháng trở lại đây giá tôm, cá tra nguyên liệu trong nước đều giảm, xin bà cho biết nguyên nhân vì sao?
Yếu tố thị trường đang chi phối giá XK và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, trong khi cạnh tranh các nguồn cung lại tăng, nên giá XK đi hầu hết các thị trường đều giảm.
VD: tới cuối tháng 5, giá trung bình tôm chân trắng Việt Nam XK sang EU giảm 4% so với tháng trước xuống còn 7,1 USD/kg. Giá XK sang Trung Quốc giảm 2% xuống còn 6,3 USD/kg. Giá XK sang Anh giảm 8% xuống còn 8 USD/kg. Trong khi đó, giá XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc ổn định ở mức 8,5 USD và 7,4 USD/kg.
Duy nhất có thị trường Mỹ có giá NK tôm thẻ có xu hướng tăng từ tháng 2/2024 tới nay. Tới cuối tháng 5, giá trung bình tôm chân trắng Việt Nam XK sang Mỹ tăng 2% so với tháng trước xuống đạt 10 USD/kg.
Đối với cá tra fillet đông lạnh XK, giá FOB trung bình từ đầu năm tới nay vẫn duy trì ở mức 2,7 USD. Đây là mức giá thấp kéo dài từ tháng 9/2023 tới nay.
Xét theo thị trường, tới cuối tháng 5, giá trung bình cá tra XK sang EU giảm 5% so với tháng trước xuống còn 2,43 USD/kg. Giá XK sang Mexico giảm 7,4% xuống còn 2,13 USD/kg. Giá XK sang Trung Quốc giảm 1% xuống còn 1,88 USD/kg. Giá XK sang Brazil giảm 1,5% xuống còn 2,69 USD/kg. Giá XK sang Anh giảm 7,2% xuống còn 2,43 USD/kg
Với cá tra XK, cũng chỉ có thị trường Mỹ có dấu hiệu lạc quan hơn. Tới cuối tháng 5, giá trung bình cá tra XK sang Mỹ tăng 1,7% so với tháng trước đạt 2,95 USD/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 7/2023.
PV: Vâng thưa bà, xét về yếu tố cạnh tranh, xu hướng giá thủy sản của các thị trường và các nước XK khác như thế nào?
Các nước SX và XK tôm khác cũng chịu tác động chung của thị trường khiến giá nguyên liệu giảm. VD, giá tôm thẻ nguyên liệu các cỡ từ 50-80con/kg của Ấn Độ tới tháng 6/2024 giảm gần 4% - 6% so với tháng trước, xuống còn 2,64 - 3,35 USD/kg. Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam mặc dù giảm sâu hơn nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng loại và size cỡ tôm Ấn Độ. VD, tôm thẻ cỡ 80 con/kg giảm 16% so với tháng 5, đạt trung bình 85,5 nghìn đồng/kg (tương đương 3,34 USD/kg) vẫn cao hơn nhiều so với mức 2,64 USD/kg tôm cùng loại, cùng cỡ của Ấn Độ. Giá tôm thẻ cùng cỡ của Thái Lan cũng giảm 2%, của Ecuador giữ nguyên mức thấp 2,3 USD/kg.
Đối với cá tra, có một số loài cá thịt trắng có phạm vi giá tương đương như cá minh thái, cũng có xu hướng giảm giá. VD: giá cá minh thái đông lạnh block của Mỹ giảm 9%, đạt 3,45 USD/kg. Đáng chú ý là cá minh thái của Nga, dù có nhích nhẹ so với tháng trước, nhưng ở mức thấp gần như kỷ lục 1,05 USD/kg.
PV: Vậy thì XK thủy sản của Việt Nam bị tác động như thế nào, thưa bà?
Trong tháng gần đây nhất là tháng 5, tôm là mặt hàng bị tác động giảm giá rõ rệt nhất, nên XK đã giảm 2,3%, trong đó riêng tôm chân trắng giảm 7%, tôm sú giảm 6%. Các sản phẩm khác như chả cá, surimi cũng bị áp lực cạnh tranh về giá nên giảm sâu 25% trong tháng 5 và lũy kế 5 tháng đầu năm giảm 15%.
XK cá tra tháng 5 vẫn tăng gần 5% nhờ sự hồi phục của thị trường Mỹ, nhưng tổng XK cả 5 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ 2%.
XK cá ngừ và mực, bạch tuộc tới tháng 5 vẫn ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ, có thể do thiếu nguyên liệu nên giá bán thuận lợi hơn.
Tổng XK thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 3,55 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
PV: Vì giá giảm, nên nhìn chung bức tranh thị trường hiện tại có vẻ không sáng sủa. Vậy nửa cuối năm, thị trường NK và XK thủy sản của Việt Nam sẽ theo chiều hướng nào?
Tôi hy vọng nửa cuối năm, các thị trường NK chính sẽ có tín hiệu tốt hơn. Đặc biệt thị trường Mỹ hồi phục sẽ định hướng và tác động tích cực đến các thị trường khác.
Tới hết tháng 6, ước tính XK thủy sản Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.
Thị trường khả quan hơn, điều kiện SX trong nước ổn định và thuận lợi, chúng ta có niềm tin XK sẽ chinh phục được mốc 10 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, tôi cũng có chút quan ngại về tình hình nguyên liệu nửa cuối năm. Bởi vì giá tôm, cá tra nguyên liệu sụt giảm, các hộ nuôi thua lỗ, có thể sẽ bỏ ao hàng loạt, dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.
Trong khi đó, nguyên liệu hải sản đã thiếu lại càng khó hơn vì vướng vào các quy định mới tại nghị định 37, nghị định 38 mới ban hành hồi tháng 4/2024 và có hiệu lực từ 19/5/2024. Trong đó, các quy định như kích thước tối thiểu một số loài khai thác và XK chủ lực, qui định cấm trộn lẫn nguyên liệu trong nước và NK vào cùng một lô hàng XK, qui định thông báo trước 72h và 48h đối với các tàu nước ngoài và tàu container NK…khiến cho việc tuân thủ rất khó khăn. Do vậy, nguồn nguyên liệu càng thêm bị thắt chặt…
Do vậy, DN XK cá ngừ của VASEP đã lo lắng mục tiêu 1 tỷ USD XK cá ngừ khó đạt được trong năm nay trước những nút thắt nguyên liệu quá chặt như hiện nay.
PV: Vâng, xin cảm ơn về những chia sẻ của bà!