Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng hai chữ số trong thời gian qua, triển vọng thời gian tới tiếp tục tích cực.
Kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 10/2024, tổng sản lượng thuỷ sản đạt gần 7,9 triệu tấn, tăng 2,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là ba thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. Với mức tăng trưởng ấn tượng trong các tháng gần đây, ngành thuỷ sản tự tin có thể thực hiện vượt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024.
Nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài đối với ngành thuỷ sản trước đây đều có sự cải thiện trong năm 2024 như lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính tăng, giá tôm có chiều hướng tăng. Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm thu về 3,23 tỷ USD tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và gần cán đích mục tiêu 4 tỷ USD trong năm nay.
Với mặt hàng cá tra, mục tiêu năm 2024 đem về 2 tỷ USD, nhưng tính đến hết tháng 10 đã đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Những đơn hàng dịp cuối năm tiếp tục tăng nhằm phục vụ nhu cầu dịp lễ, tết và các kỳ nghỉ mang lại kỳ vọng xuất khẩu cá tra năm nay sẽ vượt kế hoạch.
Trợ lực tăng trưởng
Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029 với dự kiến áp thuế 10 - 20% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu, riêng hàng hóa đến từ Trung Quốc sẽ áp mức thuế 60% có thể tác động đa chiều lên hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng thuận lợi được đánh giá nhiều hơn là bất lợi.
Sự sụt giảm về sản lượng cá rô phi Trung Quốc cùng với cá minh thái và cá tuyết Nga đã tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam trở thành sản phẩm cá thịt trắng thay thế tiềm năng tại Mỹ.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, ngành cá tra Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ khả năng cạnh tranh về giá, nhất là khi so sánh với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, mức thuế 10 - 20% áp dụng cho hầu hết quốc gia sẽ không làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam, trong khi mức thuế 60% đối với Trung Quốc có thể mang lại lợi thế cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thị phần giữa cá tra Việt Nam với cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ.
Trong phân khúc cá thịt trắng phi lê nhập khẩu vào Mỹ, cá tra phi lê Việt Nam đang thể hiện tiềm năng tăng trưởng vượt trội. Từ đầu năm 2024 đến nay, việc Trung Quốc giảm thả nuôi cá rô phi do kinh doanh thua lỗ khiến ngành cá rô phi nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu và cá giống. Tình trạng khan hiếm nguồn cung có thể sẽ kéo dài sang nửa đầu năm 2025 khi tỉnh Hải Nam, nơi cung cấp cá rô phi giống chính của Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề sau bão Yagi, hiện chưa thể phục hồi sản xuất.
Sự sụt giảm về sản lượng cá rô phi Trung Quốc cùng với cá minh thái và cá tuyết Nga đã tạo cơ hội cho cá tra trở thành sản phẩm cá thịt trắng thay thế tiềm năng tại Mỹ. Theo đó, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ tiếp tục có triển vọng khả quan cả về khối lượng và giá cả. Cá tra Việt Nam đang chiếm thị phần lớn nhất ở Mỹ, trong khi tồn kho cá tra tại nước này hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), doanh nghiệp xuất khẩu cá tra fillet đông lạnh lớn nhất Việt Nam sang Mỹ được dự đoán sẽ hưởng lợi lớn nếu Mỹ áp mức thuế cao lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (tháng 10 vừa qua, thị trường Mỹ đóng góp 37% doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn). Cụ thể, VDSC dự báo, lãi sau thuế của Vĩnh Hoàn có thể đạt 1.872 tỷ đồng vào năm 2026.
Trong tháng 10/2024, Vĩnh Hoàn ước đạt 1.206 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 441 tỷ đồng, tăng 116%; doanh thu thị trường nội địa đạt 280 tỷ đồng, tăng 22%; thị trường Trung Quốc mang lại 144 tỷ đồng, tăng 80%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt 10.535 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 98,4% mục tiêu cả năm theo kịch bản 1 (10.700 tỷ đồng) và hoàn thành 91,6% mục tiêu cả năm theo kịch bản 2 (11.500 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp khác trong ngành cá tra như Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) hay Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (mã IDI) được dự báo sẽ hưởng lợi ít hơn do thị trường Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu xuất khẩu.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định, lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Mỹ có nguồn gốc từ Nga (dù được chế biến từ bên thứ ba) cùng với sự khan hiếm nguồn cung cá rô phi từ Trung Quốc tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng cho các loại cá thịt trắng này. Theo đà tăng về sản lượng xuất khẩu, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2025.
Trong khi xuất khẩu cá tra đang thuận lợi thì các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Ngày 22/10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc điều tra thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Indonesia cùng các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Ngành tôm Việt Nam có kết quả tích cực hơn Ecuador và Ấn Độ trong đợt công bố này, thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam là 2,84%, còn tôm Ấn Độ là 5,77%.
Dự kiến, ngày 5/12/2024, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng, kết luận là vụ kiện hình thành hay không. Nếu ITC cho rằng, mức hưởng lợi từ trợ cấp có ảnh hưởng đến hoạt động ngành của tôm Mỹ thì mức thuế 2,84% trở thành chính thức, tạo ra một rào cản không nhỏ cho ngành tôm Việt Nam. Trường hợp ITC đánh giá, mức trợ cấp ảnh hưởng không đáng kể tới ngành tôm Mỹ, thì vụ kiện sẽ bị hủy bỏ.
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho biết, khoảng 10 năm trước, ngành tôm Việt Nam từng bị kiện tương tự, nhưng ITC đã phán quyết hủy bỏ vụ kiện. Tình huống này nếu lặp lại, các doanh nghiệp tôm bán hàng vào Mỹ còn nhiều dư địa để mở rộng thị trường và phía Hải quan Mỹ sẽ trả lại phần tiền mà doanh nghiệp tạm nộp cho các lô hàng xuất khẩu trong quý II/2024. Theo đó, khoản tiền trích lập dự phòng trên sổ sách sẽ chuyển thành khoản thu lãi, riêng Thực phẩm Sao Ta dự kiến thu về hơn 40 tỷ đồng từ khoản dự phòng, góp phần tích cực vào việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Trong tháng 10/2024, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm của Thủy sản Sao Ta đạt 2.043 tấn, tăng 23%; doanh số đạt 23,25 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt doanh số 210,25 triệu USD, vượt mục tiêu cả năm (210 triệu USD).
Bên cạnh đó, một thị trường lớn cũng vừa được mở ra khi Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, kỳ vọng sẽ mở ra con đường lớn cho sản phẩm tôm Việt Nam tiến sâu vào vào thị trường Trung Đông.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan